Báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho biết: Theo dõi tình hình đăng ký doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua có thể thấy, tháng 4 hàng năm là thời điểm mà các doanh nghiệp thường hay lựa chọn để gia nhập thị trường (ngoại trừ tháng 4 - 2020, thời điểm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn do việc thực hiện giãn cách xã hội).
Thống kê cho thấy tháng 4 -2021 đã đạt mức kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ trước đến nay với 14.866 doanh nghiệp, tăng 88,5% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mốc kỷ lục 14.854 doanh nghiệp tại thời điểm tháng 4-2019 với số vốn đăng ký là 179.873 tỷ đồng (tăng 91,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020).
Luỹ kế bốn tháng đầu năm nay, có 44.166 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2021 là 1.420.581 tỉ đồng (tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 627.721 tỉ đồng (tăng 41,0% so với cùng kỳ năm 2020). Đây cũng là số vốn đăng ký mới cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay.
Tuy nhiên dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực trên diện rộng lên toàn bộ hoạt động doanh nghiệp với hơn 87% doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và FDI đều gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trong năm 2020.
Do vậy, tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục có sự gia tăng, với 51.496 doanh nghiệp, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 28.349 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 55,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2021.
Phân tích kỹ theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng ở 4/5 quy mô vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu thư nhận thấy nhóm doanh nghiệp rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ dẫn đến buộc phải giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ dưới 1 tỉ đến 10 tỉ đồng với 6.024 doanh nghiệp, chiếm 89,3%, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2020.
“Điều đó có thể thấy, phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể, chấm dứt tồn tại là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài”- Bộ Kế hoạch và đầu tư phân tích.