Trong số những gương mặt "vàng" của làng lừa đảo - đa cấp biến tướng thời gian qua, Nguyễn Văn Anh có lẽ là cái tên quen thuộc nhất khi năm lần bảy lượt bị cơ quan chức năng và báo chí réo tên vì đứng sau hàng loạt mô hình kinh doanh phạm pháp.
Ngày 8/3, doanh nhân này đã chính thức bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá truy nã với tội danh "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người". Quyết định cho biết hiện tên này đã trốn khỏi nơi cư trú là quận Long Biên, Hà Nội. Hồi cuối năm 2020, cơ quan Công an tỉnh Thanh Hoá cũng là nơi tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của người dân vì bị mất tiền khi đầu tư vào mô hình của Nguyễn Văn Anh.
Trước khi bị cơ quan chức năng "sờ tận gáy", Nguyễn Văn Anh đã có thời gian dài tung hoành, điều hành một loạt mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng núp bóng sàn thương mại điện tử, công ty game,…
Lần 1: Lên sóng VTV kể mộng làm tỷ phú, quảng cáo sàn TMĐT lừa đảo
Đầu năm 2020, Nguyễn Văn Anh xuất hiện trên chương trình "CEO - Chìa khoá thành công" để chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp gian nan của mình. Cụ thể, Anh cho biết mình sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh ở Hà Nội nên ngay từ nhỏ đã sớm mang tham vọng trở thành tỷ phú đô la. Sau khi tốt nghiệp ngành quản lý công thương tại Trung Quốc, Văn Anh đầu quân cho một doanh nghiệp Đài Loan và nhanh chóng được tín nhiệm, trở thành trợ lý Tổng giám đốc.
Tuy nhiên, Nguyễn Văn Anh sau đó đã nghỉ việc để tự khởi nghiệp và đã trải qua 3 lần thất bại đến mức phá sản. Sau đó, tên này sáng lập sàn thương mại điện tử "cashback" có tên Bigbuy 24h.
Nguyễn Văn Anh.
Bigbuy 24h được quảng cáo là sàn TMĐT mua sắm hoàn tiền, tỷ lệ hoàn tiền lên đến 100%. Nếu nạp tiền vào ví cá nhân trên ứng dụng, phần trăm chiết khấu có thể lên đến 400%. Không chỉ hoàn tiền với những sản phẩm có giá trị nhỏ mà Bigbuy24h còn tuyên bố chiết khấu, hoàn tiền cho người mua khi giao dịch hàng hóa có giá trị lớn, lên đến vài trăm triệu đồng, điển hình là ô tô Vinfast.
Cuối 2019 đầu năm 2020, khi chiêu trò chưa bị lật tẩy, hàng loạt trang fanpage văn phòng đại diện của Bigbuy24h đăng tin cho biết doanh nghiệp này đã liên doanh với Vinfast để giúp mua xe ô tô được hoàn tiền tới 30%.
Theo quy chế hoạt động của sàn Bigbuy24h, nếu người nhà đầu tư càng giới thiệu, lôi kéo nhiều người khác tham gia thì càng có lợi vì được hưởng hoa hồng môi giới. Sau khi tham gia, họ được lập ra các shop, nộp tiền để mua bán hàng hoá ảo với nhau và được tặng "điểm Bigbuy". Nhà đầu tư bỏ tiền ra mua shop nhưng không có hàng hoá gì. Muốn tiền sinh lợi, họ phải đăng ký mua hàng "ảo" rồi bán cho khách. Khách cũng phải nộp tiền thật để được quy ra điểm để mua hàng.
Lễ ra mắt Bigbuy24h được tổ chức rầm rộ để gây thanh thế.
Đến tháng 1/2020, sàn Bigbuy24h bị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) yêu cầu dừng hoạt động vì kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký và có dấu hiệu vi phạm những hành vi cấm trong lĩnh vực TMĐT. Tuy nhiên, Bigbuy24h vẫn tiếp tục quảng bá, thu hút người tham gia.
Đến tháng 5/2020, cả ứng dụng và website đều dừng hoạt động, tiền nộp vào tài khoản không thể rút ra. Trong khi đó, văn phòng chính của Bigbuy24h đã đóng cửa, gỡ biển, ông chủ Văn Anh thì xóa zalo, hủy kết bạn với các đại lý đại diện. Sau khi "ăn" được quả lớn, Nguyễn Văn Anh chuyển giao Bigbuy24h cho một người khác để "thoát xác". Trong khi đó, Công ty Bigbuy 24h cũng thay đổi đăng ký kinh doanh tới lần thứ 8, app ngừng hoạt động.
Ước tính tổng số tiền các nhà đầu tư bị thiệt hại đã lên tới 500 tỷ đồng.
Lần 2: Tự biên tự diễn về thương vụ 1 tỷ USD
Hồi tháng 3/2020, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết Trung tâm Internet Việt Nam đã tạm dừng hoạt động các tên miền www.goldgame.vn, www.103.vn, www.103.com.vn cấp cho Công ty Cổ phần Gold Game Việt Nam.
Nguyên nhân do phát hiện những biểu hiện vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng và có dấu hiệu lợi dụng giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử (vốn không phải là giấy phép phát hành Game103).
CEO Nguyễn Văn Anh trong buổi họp báo ra mắt Game103.
Được biết, Gold Game Việt Nam là công ty con của Tập đoàn Đầu tư Newlife, được điều hành bởi ông Nguyễn Văn Anh. Tập đoàn Đầu tư Newlife cũng chính là công ty mẹ của sàn TMĐT Bigbuy24h, từng gây sốc khi tự mình tuyên bố gọi vốn kỷ lục 1 tỷ USD từ một quỹ nước ngoài có tên Tập đoàn SB Capital Management, đồng thời nhận được cả thư chúc mừng của cựu Tổng thống Donald Trump (hồi còn đương nhiệm). Sau khi bị VTV chỉ ra những nghi vấn, sai phạm, Tập đoàn Đầu tư Newlife còn mạnh miệng tuyên bố sẽ kiện ngược lại đài Truyền hình Quốc gia.
Ảnh lấy từ website Tập đoàn Newlife
Tuy nhiên thực tế, doanh nghiệp này đã nhiều lần né tránh khi bị cơ quan chức năng yêu cầu đến làm việc vì quảng bá sai sự thật, thu hút vốn đầu tư có dấu hiệu bất thường, đồng thời không chịu sửa đổi bổ sung giấy phép, không báo cáo định kỳ,... Do đó, không lâu sau, Bộ Thông tin & Truyền thông đã ra quyết định thu hồi toàn bộ giấy phép trò chơi trực tuyến của Gold Game Việt Nam.
Lần 3: Tham vọng nhập khẩu vaccine!?
Theo tờ Lao Động, ngày 17/2/2021, Vimedimex đã có công văn gửi lãnh đạo Bộ Y tế, cho biết công ty này đã liên hệ với Tập đoàn SB Capital Management và Tập đoàn Moderna (Mỹ), thống nhất những nội dung liên quan đến việc nhập khẩu 50 triệu liều vắc xin Covid-19 về Việt Nam. Trong văn bản, Vimedimex cũng đề cập tới Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SB Vina (SB Vina) với vai trò là bên bán, được Moderna ủy quyền phân phối vaccine Covid-19 của hãng này tại Việt Nam.
Trên website sbvina.com, tự nhận là của SB Vina, có tuyên bố việc liên kết với công ty dược phẩm Moderna (Mỹ) để cung cấp Vaccine Covid-19 cho người Việt trong thời gian nhanh nhất. Tuy vậy, khi đi vào chi tiết, website này lại đề cập tới một pháp nhân khác, cũng mang họ "SB Vina" nhưng lại là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển SB Vina.
SB Vina của ông Nguyễn Văn Anh tự tuyên bố nhập khẩu và phân phối vaccine. (Ảnh chụp màn hình website SB Vina)
Theo Viettimes, SB Vina tiền thân là Công ty TNHH Vận tải Hàng không Newlife Air (Newlife Air), thành lập vào ngày 17/3/2020, đăng ký ngành nghề chính là vận tải hành khách hàng không. Newlife Air có vốn điều lệ 136,8 tỉ đồng, trong đó, ông Nguyễn Văn Anh (SN 1982) nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu chi phối 95%.
Trong khi đó, thực tế Bộ Y tế phát đi cảnh báo về việc giả mạo trong cung ứng, mua bán vaccine Covid-19 vào ngày 10/3/2021, Moderna vẫn khẳng định chưa ủy quyền cho bất cứ bên nào về việc đăng ký, bán hàng và nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam.
Còn tới thời điểm Vimedimex gửi công văn tới lãnh đạo Bộ Y tế, SB Vina chưa hoạt động được 1 năm và cũng không có đăng ký ngành nghề kinh doanh chính liên quan tới lĩnh vực dược phẩm.
Hoàng Thuỳ (Tổng hợp)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị