Chuyên gia góp ý rằng, chỉ nên cho rút BHXH 1 lần với riêng phần người lao động trích lương đóng, không cho rút phần cùng đóng của doanh nghiệp.
Thất nghiệp, muốn rút 1 lần
Chị Nguyễn Thị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong những người vừa nộp hồ sơ xin hưởng BHXH 1 lần tại BHXH quận Hai Bà Trung (Hà Nội), chị cho biết: Hơn 1 năm trước, chị làm tại công ty chuyên tổ chức du lịch trong nước cho khách quốc tế. Khi dịch COVID-19 bùng phát, không còn khách, ban đầu công ty cho chị tạm nghỉ việc không lương, sau hơn 2 tháng vẫn không có triển vọng mở lại thị trường du lịch, công ty cho chị nghỉ việc.
“Tới nay tròn 1 năm mình cầm quyết định nghỉ việc, đủ điều kiện rút BHXH 1 lần, với hơn 10 năm đóng BHXH, số tiền nhận về cũng khoảng 100 triệu đồng. Trong lúc khó khăn, thất nghiệp, khoản tiền này đủ trang trải tới khi có việc làm mới”, chị Hà nói.
Theo chị Hà, khi nhận hồ sơ của chị, nhân viên BHXH cũng khuyên chị bảo lưu BHXH để sau có việc sẽ đóng nối để hướng tới nhận lương hưu, nhưng trước mắt cuộc sống khó khăn, nên chị vẫn rút.
Những trường hợp rút BHXH 1 lần như chị Hà không hiếm gặp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH thời gian này. Đặc biệt, sau khi nhiều người mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm 2020, nay mới đạt điều kiện 1 năm không có việc làm để được hưởng BHXH 1 lần.
Theo dự báo, từ năm 2021 tới khi dịch bệnh được kiểm soát và thị trường lao động phục hồi, số người rút BHXH 1 lần sẽ tăng cao hơn so với các năm 2020 về trước. Thực tế, theo BHXH Việt Nam, quý 1/2021, cả nước có 226.500 người hưởng BHXH 1 lần, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ LĐ-TB&XH cho hay, trong 5 năm qua (2016-2020), tổng số người hưởng BHXH 1 lần trên 3,7 triệu người, bình quân mỗi năm gần 750.000 người (tức cứ 2 người tham gia BHXH có 1 người rời hệ thống). Số người rút BHXH 1 lần năm sau luôn cao hơn năm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ người tham BHXH chưa đạt các mục tiêu đề ra.
Theo báo cáo công bố mới đây do Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cùng thực hiện, các trường hợp hưởng BHXH 1 lần chủ yếu có số năm đóng BHXH ít (đa số dưới 15 năm). Một phần nguyên nhân của thực trạng này do quy định về điều kiện để một người hưởng lương hưu phải đóng BHXH ít nhất 20 năm là quá dài, không phù hợp với thị trường lao động nhiều biến động.
Trong khi đó, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá quy định hưởng BHXH 1 lần hiện khá dễ dàng, thậm chí mức hưởng cao hơn mức đóng. Theo đó, sau 1 năm nghỉ việc và không tham gia BHXH, người lao động có thể hưởng BHXH 1 lần; Mức hưởng, những năm đóng trước năm 2014 lên đến 1,5 tháng lương/năm.
Sẽ thắt chặt hơn
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi quy định về hưởng BHXH 1 lần trong Luật BHXH đang nghiên cứu sửa đổi, với hướng khuyến khích người lao động bảo lưu tiền BHXH để hưởng lương hưu thay vì hưởng BHXH 1 lần.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ: Điều chỉnh quy định về điều kiện hưởng BHXH 1 lần; có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết hưởng BHXH 1 lần với người lao động tới tuổi hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và không có nhu cầu đóng tiếp (trừ trường hợp ra nước ngoài hoặc mắc bệnh hiểm nghèo); Giảm điều kiện số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, để khuyến khích người lao động nhận lương hưu thay vì rút BHXH 1 lần.
Quy định về hưởng BHXH 1 lần được xem là khá nhạy cảm, khi Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 từng quy định không cho rút BHXH 1 lần khi người lao động còn tuổi lao động.
Theo quy định này, người lao động chỉ được hưởng BHXH 1 lần khi tới tuổi nghỉ hưu nhưng số năm đóng BHXH không đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Trước khi quy định này kịp có hiệu lực (từ năm 2016), vào năm 2015, khi nhiều người lao động phản đối, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 93/2015, tiếp tục cho người lao động hưởng BHXH 1 lần sau 1 năm nghỉ việc.
Bộ LÐ-TB&XH dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua Luật BHXH sửa đổi tại kỳ họp tháng 5/2023 và luật có hiệu lực từ năm 2024.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, vai trò của BHXH hưu trí là cho dài hạn khi về hưu người lao động có lương. Cùng với đó, BHXH là sự chia sẻ giữa người lao động, doanh nghiệp, nhà nước mục tiêu để đảm bảo an sinh xã hội.
“Cần xem BHXH là khoản tiết kiệm nhưng có điều kiện, không phải ai thích rút là rút. Các nước đều quy định chỉ cho lao động rút BHXH 1 lần khi hết tuổi lao động và không đủ điều kiện hưởng lương hưu”, bà Hương nói.
Vị chuyên gia này đề xuất, có thể vẫn cho người lao động rút BHXH 1 lần, nhưng chỉ được rút phần lao động đóng, còn phần doanh nghiệp cùng đóng thì lao động không được rút.
Lê Hữu Việt
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.88032630250501202-nal-1-ioh-ax-meih-oab-gnouh-hnid-yuq-teis-es/nv.zibefac