vĐồng tin tức tài chính 365

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 4: Tìm cây kim trong đống cỏ khô

2021-05-06 15:18
Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 4: Tìm cây kim trong đống cỏ khô - Ảnh 1.

Tàu tìm kiếm Seabed Constructor triển khai tàu lặn AUV Hugin - Ảnh: forum-militaire.fr

"Ocean Infinity đã rà quét khu vực rộng bằng đông nam nước Anh để tìm vật thể có kích thước bằng hai chiếc xe buýt.

Giám đốc OLIVER PLUNKETT

 Chiến dịch tìm kiếm kéo dài vì gia đình các nạn nhân muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Hàng chục nước tham gia tìm kiếm, cuối cùng Công ty tư nhân Ocean Infinity của Mỹ đã xác định được vị trí tàu đắm.

Tàu ngầm đang ở đâu?

7h19 sáng ngày 15-11-2017, Hải quân Argentina nhận được tin nhắn cuối cùng từ tàu ngầm San Juan. Tàu ngầm mất liên lạc trên đường quay về căn cứ tại cảng Mar del Plata (tỉnh Buenos Aires) sau khi tham gia diễn tập. 15 ngày sau, không có mảnh vỡ nào được tìm thấy. 

Thủy thủ đoàn gồm 44 người trên tàu ngầm xem như đã chết. Đây là tổn thất tàu ngầm lớn nhất kể từ vụ nổ đánh chìm tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga năm 2000.

Cuộc tìm kiếm ban đầu không mang lại kết quả nào đáng kể. Lực lượng cứu nạn Argentina chỉ ghi nhận thông tin trạm HA10 trên đảo Ascension (lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh) ở nam Đại Tây Dương và trạm HA04 trên quần đảo Crozet (Pháp) ở tây nam Ấn Độ Dương phát hiện có tín hiệu bất thường. 

Đây là hai trạm trong 11 trạm thủy âm thuộc tổ chức giám sát Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT). Họ dò thấy tín hiệu phát đi từ một xung động dưới nước lúc 13h51 giờ GMT đúng ngày tàu ngầm San Juan mất liên lạc. 

Trang web chuyên ngành hàng hải MarineLink (Mỹ) ghi nhận với manh mối như vậy, muốn định vị tàu ngầm San Juan đang ở đâu chẳng khác nào tìm cây kim trong đống cỏ khô.

Chuẩn đô đốc Nick Lambert - giám đốc dự án Công ty Ocean Infinity của Mỹ (chuyên về tự động hóa hàng hải) - nhận xét: "Thách thức đối với lực lượng tìm kiếm là âm thanh bất thường lại có hình elip rộng". 

Sau khi điều chỉnh tín hiệu âm thanh và thu hẹp hình elip, kết quả cho thấy tàu ngầm San Juan có thể đã rơi xuống vùng nước quá độ sâu có thể trục vớt. Dù vậy, Ocean Infinity quyết không bỏ cuộc. 

Từ lúc bắt đầu hoạt động vào năm 2016, Ocean Infinity đã từng triển khai nhiều tàu lặn tự hành dưới nước (AUV) từ tàu mẹ để làm nhiệm vụ tìm kiếm hoặc khảo sát dưới nước. 

Trong chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm San Juan, công ty cam kết sẽ tìm kiếm tối đa 60 ngày và tự trang trải chi phí cho đến khi tìm thấy tàu.

Công ty Ocean Infinity đã triển khai tàu mẹ Seabed Constructor chở theo 5 tàu lặn AUV Hugin. Thiết bị này do Công ty công nghệ Na Uy Kongsberg Maritime hợp tác với Viện nghiên cứu quốc phòng Na Uy (FFI) sản xuất. AUV Hugin có khả năng hoạt động đến độ sâu 6.000m và rà quét nhanh chóng khu vực rộng lớn dưới đáy biển. 

AUV Hugin được trang bị nhiều công cụ hiện đại như máy sonar quét sườn (side scan sonar), camera HD đo sâu hồi âm đa tia (MBES) và máy sonar khẩu độ tổng hợp.

Trong 10-12 ngày tìm kiếm đầu tiên, lực lượng tìm kiếm tập trung rà quét ba khu vực trọng tâm nhưng không tìm thấy tàu ngầm. Giám đốc Nick Lambert kể: "Lúc đó, chúng tôi đã trở về và mời thêm nhiều chuyên gia khác để suy nghĩ xem những gì đã xảy ra với tàu ngầm San Juan và mở rộng phạm vi tìm kiếm".

Tàu mẹ Seabed Constructor đã được hàng loạt chuyên gia hỗ trợ tìm kiếm, trong đó có các chuyên gia từ Hải quân Argentina và Hải quân Anh, giám sát viên cứu hộ và lặn của Hải quân Mỹ. 

Ba sĩ quan Hải quân Argentina và bốn người đại diện gia đình thủy thủ đoàn tàu ngầm mất tích cùng đi trên tàu Seabed Constructor để quan sát hoạt động tìm kiếm.

Ông Oliver Plunkett - giám đốc điều hành Ocean Infinity - bộc bạch: "Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng tôi chưa từng trải qua là tàu ngầm ở đâu và tình trạng ra sao". Ông giải thích địa hình dưới nước "đầy dẫy đá tảng, vật thể, hào rãnh và thềm lục địa dốc đứng". 

Ông đánh giá sự hiện diện của gia đình các nạn nhân trên tàu tìm kiếm đã làm áp lực gia tăng, tuy nhiên đây là áp lực cần thiết để thúc đẩy thành công.

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 4: Tìm cây kim trong đống cỏ khô - Ảnh 3.

Phòng điều khiển các thiết bị tìm kiếm dưới nước của Ocean Infinity - Ảnh: Ocean Infinity

Xác định vị trí tàu chìm nhờ tàu lặn AUV Hugin

Công ty Ocean Infinity đã tham khảo rất kỹ tai nạn tàu ngầm USS Thresher (mất tích ngày 10-4-1963) và tàu ngầm USS Scorpion của Mỹ (mất tích ngày 22-5-1968) nhưng vẫn muốn tìm được mảnh vỡ nhỏ nhất còn nguyên vẹn. 

Giám đốc Oliver Plunkett giải thích: "Khi tàu ngầm vượt quá độ sâu nghiền nát (596m đối với tàu ngầm San Juan), đầu tiên tàu ngầm sẽ nổ bên trong rồi sau đó mới phát nổ hướng ra ngoài, do đó phạm vi phá hủy rất hạn chế. Điều này giải thích vì sao không bao giờ tìm thấy mảnh vỡ trên mặt biển".

Ocean Infinity còn hỏi han các thủy thủ tàu ngầm. Họ cho rằng tàu ngầm San Juan có thể đã chìm trong hẻm núi dưới biển, tàu ngầm thường có xu hướng vỡ làm ba và vụ nổ xảy ra sẽ tạo phạm vi rộng đầy mảnh vụn.

Sau giai đoạn tìm kiếm ban đầu không thành, các thiết bị AUV đã được lập trình lại để bám theo địa hình đáy biển nhằm phát hiện bất thường trong dữ liệu sonar. 

Cuối cùng, từ dữ liệu do 5 tàu lặn AUV Hugin thu thập, lực lượng tìm kiếm tập trung một vị trí xuất hiện một vật thể dài khoảng 60m gần tương đương chiều dài tàu ngầm. 

Vật thể nằm trong khu vực có khả năng tìm thấy tàu ngầm cao nhất nhưng nằm với tư thế rất lạ ở phía trên một đặc điểm địa chất rất khó xác định đó là địa chất thực thụ hay do con người tạo ra.

11h đêm một ngày tháng 11-2018, tàu tìm kiếm Seabed Constructor đưa xuống nước robot ngầm điều khiển từ xa (ROV) để chụp ảnh rõ nét hơn. 

Đến nửa đêm, hình ảnh ROV chụp được đã xác nhận vật thể ấy chính là tàu ngầm San Juan mất tích. Tàu ngầm nằm trên triền dốc một sống núi địa chất ở góc 10 độ. Các bộ phận tàu ngầm rơi xuống dưới dốc. 

Thân tàu gần như thẳng hàng với đường gờ sống núi. Vỏ tàu bị xoắn và biến dạng. Chân vịt rơi hoàn toàn khỏi trục để lộ các ống phóng ngư lôi. Không rõ vì sao tàu ngầm lại có thể nằm trong tư thế đó vì cơ hội nằm ở vị trí đó gần như bằng không...

Sau chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm bị đắm thành công ở Argentina, Công ty Ocean Infinity tiếp tục phát triển với ba tàu hỗ trợ đa năng (mỗi tàu trang bị 5 tàu lặn AUV), ba tàu mặt nước không người lái (USV), hai robot ROV, một thân tàu trang bị máy đo sâu hồi âm đa tia, tời kéo cáp quang 45 tấn ở mực nước sâu, cần cẩu xây dựng.

Các tàu lặn AUV Hugin thế hệ mới sử dụng pin chịu được độ sâu 6.000m với thời lượng pin tăng từ 60 tiếng lên 100 tiếng (đủ sức tìm kiếm hơn bốn ngày). Song không phải lúc nào công việc cũng thuận buồm xuôi gió. 

Năm 2019, một AUV Hugin đã bị mất trong băng trên biển Weddell. Một AUV Hugin khác bị mất trong quá trình tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia. Giám đốc Nick Lambert ví von: "Đây không phải là thất bại. Đừng ngại đi và vượt quá giới hạn!". Ocean Infinity đã và đang làm điều đó.

Nước tràn gây cháy

Ngày 18-7-2019, Ủy ban điều tra Quốc hội Argentina đã công bố báo cáo điều tra về tàu ngầm San Juan mất tích. Báo cáo cho biết đêm trước khi tàu ngầm mất tích, nước tràn vào hệ thống thông gió gây hỏa hoạn tại buồng chứa pin.

Tàu nổi lên và tiếp tục ra khơi. Thuyền trưởng báo cáo tàu đã sẵn sàng xuống độ sâu 40m để đánh giá thiệt hại và thử lại pin hôm sau nhưng sau đó tàu ngầm mất liên lạc.

Ủy ban điều tra kết luận bộ tư lệnh hải quân hoạt động kém hiệu quả và ngân sách hạn chế đã góp phần gây ra thảm họa, ngoài ra còn do công nghệ lạc hậu và công tác bảo trì kém khiến tàu ngầm ngày càng xuống cấp.

******************

Lựa chọn cuối cùng của các thủy thủ là thoát hiểm khỏi tàu ngầm. Nhiều trang thiết bị đáp ứng yêu cầu thoát hiểm ở độ sâu thích hợp.

>> Kỳ tới: Thoát khỏi tàu ngầm được không?

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 3: Chiếc tàu ngầm không may mắnLy kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 3: Chiếc tàu ngầm không may mắn

TTO - Ngày 22-4-2021, hải quân Ấn Độ đã điều động một tàu lặn cứu nạn biển sâu (DSRV) khởi hành từ cảng Visakhapatnam lên đường sang Indonesia hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala 402.

Xem thêm: mth.11261111160501202-ohk-oc-gnod-gnort-mik-yac-mit-4-yk-iohk-neib-ioud-magn-uat-uuc-iaig-yk-yl/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 4: Tìm cây kim trong đống cỏ khô”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools