Việc giá thép tăng mạnh kéo theo nhiều mặt hàng liên quan cũng có biến động trong thời gian qua, nhất là ngành xây dựng và bất động sản đang bị ảnh hưởng mạnh.
Thị trường trong nước dần bị tác động
Ghi nhận của phóng viên báo Lao Động sáng 6.5, tại các cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10, TPHCM), đa phần các chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, nội thất đều tỏ ra lo lắng khi giá các mặt hàng đồng loạt tăng, trong đó tăng mạnh nhất là thép xây dựng.
Theo đó, giá thép phi 6-8, tăng từ 172.000 đồng/kg lên 183.000 đồng/kg, thép phi 12 từ 163.000 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg, thép phi 18 tăng 370.000 đồng/kg lên 406.000 đồng/kg, thép phi 20 tăng 457.000 đồng lên 500.000 đồng/kg.
Công ty thép Hoà Phát cũng thông báo đến khách hàng của mình về việc giá bán thép cuộn và thép cây đều tăng thêm 600.000 đồng/tấn tại thị trường miền Nam, tức khoảng 600 đồng/kg. Hiện thép cuộn Hòa Phát cuộn CB240 ghi nhận mức giá là 16.800 đồng/kg, cuộn D10 CB300 tăng lên 17.000 đồng/kg.
Tương tự, thép thương hiệu Việt Đức, hai loại sản phẩm CB240 cũng tăng giá lần lượt là 16.800 đồng/kg đối với cuộn CB240 và 16.700 đồng/kg với cuộn D10 CB300.
Với thương hiệu thép của Công ty thép Thái Nguyên, hiện cuộn CB240 đang có mức giá là 17.510 đồng/kg, còn với cuộn D10 CB300 có giá là 16.950 đồng/kg. Gang thép Thái Nguyên được đánh giá là thương hiệu có giá tăng mạnh nhất trong khoảng 1 tháng trở lại đây.
Ông Đinh Công Khương - Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai (quận 11, TPHCM) - cho biết: "Giá thép tăng từ cuối năm 2020 một lần do dịch COVID-19. Các công ty nghĩ lượng tiêu thụ sẽ giảm nên cũng giảm nguồn cung cấp. Ngoài ra, giá nguyên liệu như quặng thép trên thế giới cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Hiện tại, giá thép thế giới tăng cao thì thép trong nước vẫn còn rẻ. Tuy nhiên, tại cơ sở của tôi, nhiều mặt hàng đã bắt đầu khan hiếm và không mua được hàng. Trong tương lai gần, nhiều khả năng việc kinh doanh của tôi cũng bị ảnh hưởng nếu tình hình sắt thép trên thế giới không được cải thiện".
Theo ông Khương, hiện tại giá thép bán ra trong nước vẫn thấp hơn giá nhập vào. Ví dụ, thép tấm dùng làm kho xưởng (3-12 ly), giá bán 21.000 đồng/kg, trong khi giá nhập về lên tới 23.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp đã nhập hàng từ trước nên vẫn bán giá cũ. Riêng hàng mới nhập về phải 1-2 tháng mới tới nơi, cộng thêm chi phí vận chuyển đang rất cao nên dự báo thời gian tới giá thép trong nước sẽ tiếp tục tăng.
Ảnh hưởng đến ngành xây dựng, bất động sản
Việc giá sắt thép tăng liên tục khiến 2 ngành liên quan mật thiết là xây dựng và bất động sản cũng bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Tuấn Em (ngụ huyện Bình Chánh) - chủ một công ty xây dựng ở TPHCM - nói với Lao Động: "Chúng tôi đang triển khai 3-4 công trình nhà ở tại TPHCM. Nếu so với giá vật tư hiện tại với giá hợp đồng đã ký từ trước Tết, các công trình của chúng tôi đang có khả năng lỗ chứ đừng nói đến có lãi. Tôi chỉ mong chủ đầu tư sẽ đồng ý chuyển sang hợp đồng linh hoạt giá cả để chúng tôi có thể chủ động thay đổi giá đến khách hàng trong tình hình vật tư, nhất là giá thép biến động không ngừng".
Trong khi đó, ông Thanh Toàn (ngụ quận 10, TPHCM) - một người chuyên kinh doanh bất động sản - buộc lòng phải tăng giá bán nhà khi các đơn vị thi công đồng loạt tăng giá theo từng thời điểm do giá nguyên liệu xây dựng tăng cao.
"Trước Tết Nguyên đán, thi công nhà chỉ ở mức khoảng 3,2 triệu đồng/m2 nhưng nay phải 3,5 triệu đồng/m2 mới có đơn vị nhận xây. Các đơn vị này còn yêu cầu giá thi công phải được điều chỉnh 2 tháng 1 lần đề phòng giá nguyên liệu lại tăng. Vì vậy, tôi phải tăng giá nhà khi bán ra mới có lãi" - ông Toàn nói.
Nhìn chung, ngành xây dựng và bất động sản tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang đối mặt nhiều thách thức khi tình hình giá cả sắt thép trên thế giới vẫn chưa được cải thiện và chuẩn bị tác động đến thị trường Việt Nam.
Xem thêm: odl.790609-oad-oal-nas-gnod-tab-gnud-yax-hnagn-peht-aig-oab-mchpt/et-hnik/nv.gnodoal