- Nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân: Giấc mơ lớn với cây đàn cello
- Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc: Nỗ lực để tạo dấu ấn Việt Nam trên “bản đồ” âm nhạc thế giới
Anh chia sẻ: "Có lẽ được làm nghệ sĩ như tôi là một đặc ân, vì ranh giới giữa cuộc sống và công việc gần như không còn. Âm nhạc cổ điển và cây đàn đã giúp định hình trong tôi thế giới quan, những giá trị sống".
- Có lẽ năm 2021 là quãng thời gian ấn tượng của anh khi anh trở về Việt Nam và thực hiện những dự định của mình. Dự án Schubert in a Mug (SiaM) được bình chọn là dự án ý nghĩa của năm. Còn với riêng anh, SiaM có ý nghĩa như thế nào?
+ Tôi rất bất ngờ và hạnh phúc vì SiaM dù mới chỉ 8 tháng tuổi đã được cộng đồng khán giả và giới phê bình đón nhận một cách nhiệt tình như vậy. Đối với cả team SiaM, mục đích giản dị của dự án trước hết là thoả mãn niềm mong mỏi được diễn, được giao lưu với khán giả của các nghệ sĩ. Chúng tôi tin tưởng vào những giá trị thẩm mỹ, những thứ có thể nói là đẹp nhất, thật nhất, tinh tuý nhất mà chúng ta có thể tìm thấy trong âm nhạc cổ điển và tầm quan trọng của việc lan toả những giá trị đó cho cộng đồng.
Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc. |
- Anh có thể chia sẻ ý tưởng thực hiện dự án này?
+ Mô hình tương tự như SiaM thực ra khá phổ biến ở châu Âu, nhưng đặc biệt là ở New York, Mỹ nơi mà tôi từng sinh sống, học tập và làm việc gần 10 năm. SiaM là dự án âm nhạc cổ điển thành lập vào tháng 8-2020, bao gồm chuỗi các chương trình diễn hòa tấu kết hợp trò chuyện quy mô vừa và nhỏ với mong muốn mở ra một không gian ấm cúng, nơi khán giả và nghệ sĩ cùng nhau chia sẻ tình yêu, sự tò mò và các câu chuyện về âm nhạc cổ điển theo cách tự nhiên, gần gũi nhất. Có lẽ mỗi người có một gu, một sở thích trải nghiệm nghệ thuật, nhưng đối với tôi, tôi thực sự cảm thấy rất thích thú với những trải nghiệm ấm cúng, gần gũi, đơn giản; như việc ngồi trong một quán trà/cafe, thưởng thức và trao đổi về âm nhạc cổ điển tại SiaM. Không có gì màu mè, cầu kỳ về hình thức, các nghệ sĩ khi diễn cũng chỉ mặc những bộ đồ thường ngày, chỉ có cái lõi quan trọng nhất - đó là chất lượng của các tác phẩm được trình diễn ở SiaM - team luôn toàn tâm toàn lực trau chuốt, đầu tư công sức thời gian một cách tỉ mỉ, chỉn chu cho từng tác phẩm.
- Thực tế, có nhiều dự án cổ điển được các nghệ sĩ tâm huyết khởi xướng nhưng rất khó khăn khi đi đường dài do kinh phí hạn hẹp, khán giả thưa vắng. Vậy SiaM sẽ đi đường dài như thế nào?
+ Chúng tôi có rất nhiều ấp ủ cho SiaM. Tôi tin rằng những giá trị gốc của dự án có rất nhiều tiềm năng để khai thác. Chúng tôi sẽ từng bước mở rộng biên độ khán giả bằng các hoạt động mới. Nhưng series lõi của SiaM tại Tranquil và Magic Music Hall sẽ tiếp tục được duy trì, song song với đó, chúng tôi sẽ bổ sung các dự án khác (như lunch time concert series) và các buổi đặc biệt có quy mô lớn hơn (như buổi SiaM vol. 4 thực hiện tại VCCA) để khán giả có thêm những góc nhìn phong phú hơn về âm nhạc cổ điển.
- Qua một năm, SiaM đã có lịch diễn đều đặn và khác với các đêm diễn cổ điển khác, những buổi hòa nhạc của SiaM đều bán vé. Việc bán vé có khó khăn không khi khán giả Việt Nam có thói quen nghe nhạc cổ điển miễn phí?Anh có thấy mình mạo hiểm?
+ Việc bán vé tại SiaM là cần thiết, trước hết để giúp chúng tôi chi trả cho các chi phí chạy dự án như thuê phòng, in ấn, quay phim, chụp ảnh, lên dây đàn… Đồng thời, quan trọng hơn đó là đối với khán giả, trong họ sẽ hình thành một tư duy đóng góp, xây dựng - cùng chung tay với chúng tôi, giúp kiến tạo và duy trì những giá trị đẹp mà cả nghệ sĩ lẫn khán giả cùng yêu và tin tưởng; thay vì tư duy hưởng thụ một cách bị động khi tới nghe miễn phí. Nghệ sĩ Pianist Andras Schiff từng chia sẻ, ông không thể diễn miễn phí, mặc dù thu nhập từ tiền vé đối với ông chẳng đáng gì. Nhưng khi tới nghe Schiff, khán giả phải trả phí, dù đôi khi giá vé Schiff đề nghị chỉ là 1 đô la - ông tin rằng bản chất việc trả phí sẽ giúp chính khán giả cảm thấy quý trọng hơn trải nghiệm nghệ thuật của họ.
Cho đến thời điểm hiện tại chúng tôi cảm thấy may mắn vì việc bán vé của SiaM cũng tương đối dễ dàng; gần như là luôn sold out (hết vé). Quả thực, chúng tôi rất biết ơn các khán giả yêu quý của SiaM và hi vọng các bạn sẽ luôn ủng hộ SiaM trên con đường còn dài sắp tới.
Một đêm diễn của dự án SiaM. |
- Điều đó cho thấy những tín hiệu thay đổi tích cực từ khán giả, dù cộng đồng đó còn khá nhỏ?
+ Có lẽ một trong những thành tố quan trọng nhất quyết định việc một dự án nghệ thuật có thể đi được dài hơi hay không, chính là khán giả. SiaM thật sự rất may mắn vì hiện tại đã xây dựng được một cộng đồng khán giả nhỏ cho riêng mình, đa phần là những bạn trẻ đầy năng lượng, luôn tò mò, luôn muốn tìm tòi khám phá thêm những cái mới. Chính nhờ cộng đồng tuyệt vời này mà gần đây, SiaM cũng có thêm can đảm để chơi những tác phẩm dài hơn, khó nghe hơn một chút nhưng có chiều sâu hơn những tiểu phẩm từ số đầu tiên. Vừa được chơi những tác phẩm mà các nghệ sĩ thích, lại được khán giả luôn mở lòng đón nhận, đối với chúng tôi, không có hạnh phúc nào hơn.
- Điều gì giúp những nghệ sĩ cổ điển như anh kiên định đi con đường của mình, khi đời sống của nghệ sĩ cổ điển và những đãi ngộ của Nhà nước rất hạn chế, cộng đồng khán giả nhỏ hẹp?
+ Đơn giản là bởi tôi quá yêu nhạc cổ điển và cây đàn cello. Tập đàn là việc đều đặn thường ngày như đánh răng rửa mặt. Nếu một ngày dù không có đãi ngộ, dù không có khán giả thì tôi vẫn ngồi tập đàn, bởi nó đã là một phần máu thịt của tôi rồi. Chia sẻ vậy thôi, chứ tôi tin rằng bất cứ ngành nghề, công việc, hay sở thích gì, việc kiên trì theo đuổi, tìm tòi, đào sâu sẽ luôn tạo ra những giá trị "chân - thiện - mỹ" cho xã hội và sẽ luôn có những người quan tâm, hưởng ứng những giá trị đó, và những con người tạo nên những giá trị đó.
- Có vẻ như thời gian gần đây, cộng đồng các nghệ sĩ cổ điển trẻ đang có sự kết nối chặt chẽ với nhau, hợp tác với nhau để góp phần kích hoạt đời sống âm nhạc cổ điển Việt Nam. Anh hy vọng gì vào sự kết hợp đó?
+ Một khi có sự kết nối, sẽ có những sự giao thoa, trao đổi về ý tưởng, kinh nghiệm, từ đó tạo tiền đề cho những ý tưởng mới, những sự kiến tạo lớn hơn mà các cá thể riêng biệt sẽ không thể nghĩ ra hoặc rất khó để hiện thực hoá ý tưởng. Điều này tôi nghĩ là hết sức quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật nói chung và âm nhạc cổ điển nói riêng. Tôi hy vọng sự kết nối chặt chẽ hiện tại vẫn sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa và không chỉ giữa nghệ sĩ cổ điển, mà còn giữa nghệ sĩ của các mảng nghệ thuật khác nhau, giữa nghệ sĩ và cộng đồng khán giả.
- Cây đàn cello vẫn chưa thực sự phổ biển ở Việt Nam. Cơ duyên nào đưa anh đến với cây đàn độc đáo này?
+ Mình bén duyên với cây đàn cello khá muộn, tuy nhiên cây đàn đã 'bén rễ' vào trong từng khía cạnh của cuộc sống của mình, đến mức mình giờ không thể tưởng tượng được cuộc sống nếu không có cây đàn thì sẽ như thế nào. Có lẽ được làm nghệ sĩ như là một đặc ân, vì ranh giới giữa cuộc sống và công việc gần như không còn. Âm nhạc cổ điển và cây đàn đã giúp định hình trong tôi thế giới quan, những giá trị sống, mà hằng ngày tôi luôn luôn phải trau dồi, rèn luyện, duy trì. Nó đã trở thành một lẽ sống.
- Tôi có trò chuyện với nhiều nghệ sĩ cổ điển và họ chia sẻ rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của những âm thanh mới, âm nhạc cổ điển không hạn hẹp mình trong những chuẩn mực của nó mà có thể kết hợp, giao thoa với nhiều loại hình khác nhau. Còn anh, anh có những dự định gì tiếp theo trên hành trình đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng?
+ Việc tập đàn và điều hành SiaM sẽ chiếm phần lớn quỹ thời gian và tâm trí của tôi. Còn lại tôi vẫn luôn sẵn sàng chung tay vào những dự án hay và ý nghĩa của các đồng nghiệp như dự án biểu diễn Maestoso, dự án giáo dục Inspirito School of Music của Lưu Đức Anh và các buổi biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO), kết hợp biểu diễn và giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (VNAM).
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.
Linh Nguyễn (thực hiện)Xem thêm: /488936-na-cad-tom-al-is-ehgn-mal-couD-cuhP-oD-nahP-ollec-is-ehgN/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv