Tạo 'liên minh’ để nâng tầm sản phẩm OCOP ở Hậu Giang
Trung Chánh
(KTSG Online) – Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hiện đã đi được vài năm. Các địa phương đều có những sản phẩm riêng của mình nhưng để các sản phẩm này hòa chung vào thị trường thì vẫn còn là một câu chuyện khó. Riêng với khu vực ĐBSCL, tỉnh Hậu Giang đã và đang hình thành những cách làm để đưa sản phẩm OCOP vươn xa hơn.
Sản phẩm OCOP được giới thiệu tại một hội chợ. Ảnh: Trung Chánh |
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490 ngày 7-5-2018. Đây là chương trình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn quốc.
Tại hội nghị tổng kết chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 diễn ra mới đây, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay tất cả các địa phương trong cả nước đều đã triển khai và có 59 trên 63 địa phương tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm.
Theo ông Nam, kết quả sau gần 3 năm thực hiện, đã có 4.469 trên 6.210 (chiếm 72%) sản phẩm tham gia chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên. Trong đó, số lượng sản phẩm OCOP của hợp tác xã chiếm 38,3%; doanh nghiệp 27,5%; cơ sở sản xuất 31,5% và còn lại của các tổ hợp tác.
Riêng tỉnh Hậu Giang, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám Đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, chương trình OCOP là giải pháp quan trọng cho cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. “Chính vì thế, Hậu Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình”, ông Phong nhấn mạnh và cho rằng, địa phương cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn cho người dân và cán bộ quản lý.
Theo đó, hiện Hậu Giang đã công nhận 46 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3, 4 sao, bao gồm sản phẩm cá thát lát, khổ qua rừng, rượu, mức khóm, nước màu khóm, trà mãng cầu; trà khổ qua rừng, trái cây, gạo…, đạt 191,67% so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là chuẩn hóa 50% số sản phẩm hiện có.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phong, sản phẩm OCOP của địa phương vẫn chưa có “sân chơi chung” hay nói cách khác mỗi cơ sở, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP phải tự tìm đường tiêu thụ.
Khách tham quan, mua sắm sản phẩm OCOP. Ảnh: Trung Chánh |
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Tập đoàn Tiến Thịnh (Tiến Thịnh Group)- đơn vị đang “khởi sướng” phát triển hệ thống trưng bày và phân phối sản phẩm OCOP của Hậu Giang ở nhiều địa phương trong cả nước đánh giá, hiện nay các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP hoạt động còn rời rạc, chưa được quảng bá rộng rãi. "Đặc biệt, sản phẩm OCOP của Hậu Giang chưa có một hệ thống trưng bày, chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm một cách chuyên nghiệp", ông nhấn mạnh.
Theo ông Hoài, để sản phẩm OCOP Hậu Giang vươn xa, cần thiết phải hình thành nơi trưng bày, quảng bá sản phẩm. “Chúng tôi rất kỳ vọng, một hệ thống showroom OCOP Hậu Giang sẽ là nơi kết nối các doanh nghiệp, cơ sở, tạo thành một “liên minh” sức mạnh tập thể, tiếp sức đưa sản phẩm Hậu Giang vươn xa ở cả thị trường trong nước và quốc tế”, ông nói.
Nhờ lợi thế sở hữu đội ngũ kinh doanh, marketing chuyên nghiệp, có sự kết nối tốt với các kênh siêu thị, bán lẻ và các kênh thương mại điện tử cũng như sở hữu hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, ông Hoài kỳ vọng sẽ giúp đưa sản phẩm OCOP của Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung “đi xa” cả trong lẫn ngoài nước.
Tuy nhiên, để sản phẩm có thể đi xa, chất lượng phải luôn là ưu tiên hàng đầu, trong đó, sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận xuất xứ hàng hoá, kiểm nghiệm vi sinh, hoá lý…
Khách giao dịch tại showroom sản phẩm OCOP. Ảnh: Trung Chánh |
Ông Phong của Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc Tập đoàn Tiến Thịnh đầu tư chuỗi phân phối các sản phẩm OCOP của Hậu Giang ở TPHCM, Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là kế hoạch của địa phương trong những năm tới. “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để Tập đoàn Tiến Thịnh sớm đưa chuỗi phân phối các sản phẩm OCOP của Hậu Giang ở TPHCM, Cần Thơ và TP Vị Thanh (Hậu Giang) vào hoạt động”, ông cho biết.
Bên cạnh đưa sản phẩm OCOP của Hậu Giang giới thiệu, phân phối trong chuỗi cửa hàng của đơn vị này, ông Hoài cho biết đơn vị này sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp OCOP tiếp cận với những phương pháp quản lý doanh nghiệp mới, chia sẻ thông tin thị trường. “Đặc biệt, với đội ngũ marketing lành nghề, chúng tôi sẽ giúp các thành viên OCOP thiết kế sản phẩm bao bì thân thiện và chuyên nghiệp hơn”, ông nhấn mạnh.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần đây cũng đã gợi ý thành lập Trung tâm giao dịch sản phẩm OCOP và đặc sản của các địa phương ĐBSCL tại TP Hà Nội.
Theo ông, câu chuyện của ĐBSCL là phải đưa sản phẩm OCOP, đặc sản hiện diện ở Hà Nội và ngược lại, sản phẩm OCOP, đặc sản của khu vực Hà Nội sẽ đưa trở vào ĐBSCL, để tạo vòng luân chuyển dòng sản phẩm, bổ sung cho nhau. “Tại đây, mỗi địa phương sẽ có nhiệm vụ, chẳng hạn, trong một tháng tổ chức một sự kiện văn hoá mang dấu ấn địa phương để tạo ra hình ảnh, điểm nhấn”, ông cho biết và ví dụ như Cần Thơ có sự kiện “Gạo trắng nước trong” hoặc Bạc Liêu thì có "Bạc Liêu - khúc ca tình yêu”…
Ông Hoan cho rằng, quan trọng của sự kiện là phải kết hợp văn hoá, đưa hình ảnh ĐBSCL ra Hà Nội kèm theo hình ảnh sản phẩm của từng địa phương ĐBSCL. “Tôi nghĩ rằng, lúc đó chúng ta mở ra đầy đủ thị trường nội địa với 100 triệu dân của Việt Nam”, ông cho biết và yêu cầu, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 địa phương ĐBSCL có báo cáo với lãnh đạo của địa phương để cùng tham gia.
Theo ông Hoan, đây cũng là cách để hỗ các địa phương trong tiêu thụ sản phẩm nhằm cùng nhau tạo dựng thành công.
Mời xem thêm:
Đề xuất lập Trung tâm giao dịch sản phẩm đặc sản ĐBSCL ở Hà Nội
Xem thêm: lmth.gnaig-uah-o-poco-mahp-nas-mat-gnan-ed-hnim-neil-oat/931613/nv.semitnogiaseht.www