Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chương trình hành động trước cử tri quận Cái Răng chiều 8-5 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chiều 8-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng 4 ứng cử viên thuộc đơn vị bầu cử số 1 tiếp tục có buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri quận Cái Răng (TP Cần Thơ). 4 ứng cử viên gồm: thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận (giám đốc Công an TP Cần Thơ), ông Đào Chí Nghĩa (bí thư Thành đoàn Cần Thơ), bà Dư Thị Mỹ Hân (Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ) và bà Nguyễn Thị Kim Thoa (doanh nhân).
Nhiều cử tri của quận Cái Răng mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cử tri Lê Kiến Thiết nói: "Muốn phát triển thì phải phát triển giao thông. Nhưng hiện tại ở Đồng bằng sông Cửu Long đường cao tốc còn ít, đường hàng không chỉ có sân bay ở Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc và Cà Mau. Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hiện là chủ tịch nước) có chỉ đạo đầu tư rất "ngon". Cử tri thấy khóa tới tiếp tục giữ như vậy, tiếp tục phát triển hơn nữa với trục ngang, đường biển, đường sông nữa thì rất tốt".
Cử tri Lê Hiếu Liêm băn khoăn tình hình dịch COVID-19 đang rất phức tạp. Ông nói: "Tôi và bà con cử tri ở đây có tâm tư nguyện vọng là chúng ta tăng cường phối hợp với thế giới nhập vắc xin, và nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước nhanh để tiêm phòng cho người dân càng sớm càng tốt".
Thay mặt các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đúng là đường cao tốc từ TP.HCM nối Đồng bằng sông Cửu Long "chậm quá" nên phải tổng kết, rút kinh nghiệm và ông đã giao cho Bộ Giao thông vận tải làm việc này.
"Cái này cũng là băn khoăn, trăn trở của cá nhân tôi. Trăn trở là tối nay sẽ bàn ngay, cùng nhau mà làm. Tiếp đến là phải làm đường cao tốc từ đây xuống Cà Mau cho xong, rồi đường tới An Giang, đường vành đai xung quanh thành phố này, rồi đường ven biển, cần nhiều đường lưu thông hàng hóa. Chứ hàng tươi sống mà lên TP.HCM thì hết tươi sống vì đường dài quá là băn khoăn chung của lãnh đạo, của chúng tôi", Thủ tướng bày tỏ.
Đa số cử tri quận Cái Răng mong muốn trung ương tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới - Ảnh: CHÍ QUỐC
Theo Thủ tướng, vốn ngân sách nhà nước mấy trăm nghìn tỉ đồng dành cho Đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm là không nhiều. Vì vậy, các địa phương đề xuất cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực hợp pháp của doanh nghiệp, của nhân dân và các nguồn khác để làm được.
Kêu gọi sự chủ động của lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng nói: "Chúng ta không thể sống trên một điều kiện thuận lợi thế này mà nghèo. Tôi sinh ra ở Thanh Hóa, nghèo lắm. Tôi vào làm việc với Thanh Hóa, có phát biểu mình đừng tự ti cái nghèo, sợ cái nghèo, vươn lên từ nghèo khổ. Vào Đại hội Đảng bộ ở Hà Tĩnh, tôi cũng nói cái này. Lấy nghèo khổ làm động lực để vươn lên.
Còn làm sao có được các nhà đầu tư? Khi chúng ta có hạ tầng tốt thì họ đến thôi. Tôi từng làm ở tỉnh có mỗi con đường độc đạo, chả ai đến cả. Mời nhà đầu tư từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Đông, Pháp, Mỹ, họ đều đến, họ nói giao thông, nguồn nhân lực vầy thì không làm. Mình day dứt, quyết tâm, làm cho được hạ tầng, cải cách hành chính, loại bỏ sách nhiễu".
Về vắc xin COVID-19, Thủ tướng cho biết hiện nay đúng là khan hiếm. "Trưa nay tôi nghe thông tin Trung Quốc được Tổ chức Y tế thế giới cho phép lưu hành vắc xin mới, sẽ tiếp cận Trung Quốc mua, rồi sẽ tiếp cận Nhật Bản, Mỹ… để mua. Nhưng khan hiếm lắm. Tiêm vắc xin có trục trặc, bà con cũng đừng có hoang mang, lo sợ, vì vắc xin nào cũng có phản ứng phụ. Tôi đã chỉ đạo Bộ Y tế là phải tăng cường hướng dẫn, hạn chế tối đa hậu quả xấu khi tiêm vắc xin cho người dân", Thủ tướng thông tin trước cử tri.
Tiếp xúc thật, chất lượng, không phải hình thức
Trước đó, trình bày chương trình hành động trước cử tri quận Cái Răng, TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính hứa sẽ giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân mà Thủ tướng cho rằng là tiếp xúc "thật", chứ không phải hình thức: "Hôm nay tiếp xúc ở đây là tiếp xúc thật, chất lượng, thẳng thắn, không phải là hình thức, chống bệnh quan liêu hình thức mà theo từ ngữ các em các cháu bây giờ là diễn".
Thủ tướng cũng hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ đại biểu Quốc hội theo quy định, cũng như tham gia làm nhiệm vụ, chức năng của Quốc hội - là cơ quan lãnh đạo nhà nước cao nhất; tham gia xây dựng hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý, giám sát tối cao.
TTO - Đây là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt trong phiên họp cuối cùng của nhiệm kỳ vào chiều 31-3.