Thu ngân sách chững lại trước làn sóng dịch Covid-19 thứ tư
Vân Phong
(KTSG Online) - Số thu ngân sách do ngành thuế quản lý chỉ bằng 8,8% dự toán cả năm trong tháng 4-2021 - khi dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại, theo Tổng cục Thuế.
Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại hội nghị giao ban đánh giá tình hình thực hiện công tác thuế tháng 4-2021. Ảnh: Tổng cục Thuế cung cấp. |
Cơ quan này cho biết tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 468.088 tỉ đồng trong bốn tháng đầu năm 2021, bằng 41,9% dự toán và tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Yếu tố chính giúp thu ngân sách do ngành thuế quản lý tăng trưởng so với cùng kỳ là khoản thu nội địa ước đạt 456.095 tỉ đồng, bằng 41% so với dự toán và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, thu từ dầu thô ước đạt 11.993 tỉ đồng, bằng 51,7% so với dự toán.
Đáng chú ý, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 53.191 tỉ đồng, bằng 35,9% dự toán và tăng 3,3% cùng kỳ. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85.167 tỉ đồng, bằng 42,8% dự toán và tăng 9,3% cùng kỳ.
Còn thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt khoảng 109.541 tỉ đồng, bằng 46,1% dự toán và tăng 37,2% cùng kỳ.
Bên cạnh đó, số thu từ các sắc thuế chính đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể:
|
Cũng theo Tổng cục Thuế, có 53/63 địa phương có số thu 4 tháng đạt trên 35% dự toán.
Nhưng cơ quan này cho rằng số thu ngân sách có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 8,8% dự toán cả năm trong tháng 4-20221. Trong đó số thu từ ba khu vực kinh tế chỉ đạt khoảng 26.500 tỉ đồng trong tháng 4, bằng 7,8% dự toán.
Ngoài ra, việc gia hạn nộp thuế từ tháng 4-2021 theo Nghị định số 52/2021 cũng khiến số thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến chỉ đạt lần lượt là 7,1% và 8,3% dự toán.
Để giải quyết khó khăn, ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã cầu các Vụ và đơn vị chức năng đánh giá kỹ tác động của việc thực hiện Nghị định số 52/2021 đến số thu ngân sách các tháng và việc dịch chuyển số thu này đến các tháng cuối năm.
Đồng thời, cần rà soát, đánh giá tác động của việc thực hiện Thông tư số 03/2021 của Ngân hàng Nhà nước về trích lập dự phòng rủi ro, các tổ chức tín dụng, ngân hàng đối với số thu NSNN.
Ngoài ra, ông cũng yêu cầu tiếp tục phân tích, đánh giá kỹ tình hình thực hiện dự toán thu trong 4 tháng đầu năm 2021, trên cơ sở phân tích tình hình sức khỏe doanh nghiệp, việc kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thu có số thu đột biến.
Về công tác quản lý nợ thuế, ông Cao Anh Tuấn cho rằng tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý hiện còn khá cao so với chỉ tiêu. Vì vậy ông đề nghị Vụ Quản lý nợ cần đề xuất các biện pháp xử lý nợ thuế hiệu quả hơn, trong đó bao gồm cả xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách theo Nghị quyết 94/2019 của Quốc hội
Trước đó, cơ quan thuế các cấp thu nợ ước đạt 11.097 tỉ đồng - tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020, gồm: 7.478 tỉ đồng thu bằng biện pháp quản lý nợ, 3.619 tỉ đồng thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ. Kết quả, tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30-4-2021 giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Xem thêm: lmth.ut-uht-91-divoc-hcid-gnos-nal-court-ial-gnuhc-hcas-nagn-uht/051613/nv.semitnogiaseht.www