Mong về một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp
Kinh tế Sài Gòn
(KTSG) - Khi tên tuổi của tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được công bố, thì ở thị xã Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng hàng ngàn hộ nông dân còn đang “ôm” 50.000 tấn hành tím chờ được giải cứu, trong khi giá đã lao dốc thê thảm. Đây là vấn nạn mà nay đã trở thành cơn ác mộng thường trực đối với người nông dân Việt Nam. Trong bối cảnh đó, bài trả lời phỏng vấn của tân Bộ trưởng Lê Minh Hoan trên các báo Tuổi Trẻ và VnExpress về chương trình hành động của ông đã mang lại một tia hy vọng, mà nếu thực hiện được, thì trong tương lai người nông dân chẳng những bớt được mối lo “giải cứu” mà thu nhập của họ cũng có cơ hội được cải thiện.
Suốt hàng thập kỷ qua ngành nông nghiệp Việt Nam đã loay hoay với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì” - một bài toán gần như không có lời giải đối với một nền nông nghiệp nặng tính tự phát và chạy theo sản lượng cao bằng mọi giá. Nay ông Hoan muốn thay đổi điều đó. Ông nói về kinh nghiệm ở Đồng Tháp mà bước đầu đã thành công: “Cách đây năm năm, Đồng Tháp đi vào tái cơ cấu nông nghiệp với quan điểm nhất quán: đây không phải là loay hoay xác định trồng cây gì, nuôi con gì, trồng bao nhiêu, nuôi bao nhiêu, vì điều này thị trường sẽ điều chỉnh, quyết định...”.
Điều trước tiên và cũng là có ý nghĩa quyết định mà ông Hoan muốn làm là sự thay đổi về nhận thức, đó là “phải chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp” với quan điểm “nông nghiệp là một ngành kinh tế chứ không chỉ là sản xuất đơn thuần”.
Nói đến kinh tế nông nghiệp thì mục tiêu cốt lõi là hiệu quả chứ không phải con số về sản lượng. Điều này đồng nghĩa với sản xuất nông nghiệp phải được đặt dưới sự dẫn dắt của thị trường chứ không phải để yếu tố mùa vụ chi phối; chi phí sản xuất cũng như giá cả của nông sản thành phẩm mới là chỉ tiêu cần quan tâm, chứ không phải năng suất và sản lượng.
Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải giải quyết rất nhiều bài toán khó, trong đó nan giải nhất vẫn là làm sao thuyết phục được nông dân chấp nhận thay đổi.
Khác với nhiều ngành nghề kinh doanh khác khi số lượng tham gia vào thị trường nhiều lắm cũng chỉ tới con số chục ngàn, thuyết phục được hàng chục triệu hộ nông dân thay đổi “tư duy” khi tập tính sản xuất manh mún, tự phát theo phong trào đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người là không dễ. Chẳng hạn, ai có thể thuyết phục được mỗi hộ nông dân bớt nuôi thêm vài chục con heo khi giá cả thị trường đang tốt, dẫu biết con số này mà nhân lên hàng ngàn, hàng chục ngàn hộ thì cung - cầu sẽ bị phá vỡ và chính nông dân sẽ là người phải trả giá? Rồi làm sao có thể khuyên nông dân đừng “len lén” phun thuốc trừ sâu khi ruộng vườn, “nồi cơm” của cả gia đình họ, đang bị sâu rầy tàn phá, dẫu biết làm vậy thì thị trường sẽ không chấp nhận.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã hóa giải thách thức này khá tốt khi còn là Bí thư Đồng Tháp, với mô hình Hội quán được ông khuyến khích phát triển để tập hợp nông dân lại với nhau. Nhưng để lập lại thành công đó trong phạm vi cả nước thì khó khăn hơn gấp bội. Trong các bài trả lời phỏng vấn, ông đã nêu ra được những việc cần làm. Dù vậy, để cuộc cách mạng thay đổi nhận thức trong nông nghiệp này thành công, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, từ cấp cao nhất.
Xem thêm: lmth.peihgn-gnon-gnort-iom-gnam-hcac-couc-tom-ev-gnom/210613/nv.semitnogiaseht.www