Các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm gì, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ra sao để đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25, cũng như một số mặt hàng nông sản khác ở nước ngoài?
Doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu của mình hay để Nhà nước lo?
Trao đổi với Lao Động, một số thương nhân chuyên xuất khẩu về nông sản nói rằng, hiện tại, thương hiệu gạo ST25 sở hữu giống là của ông Hồ Quang Cua và doanh nghiệp Hồ Quang Trí. Chính vì vậy, trách nhiệm bảo hộ thương mại trên thế giới là trách nhiệm của từng doanh nghiệp (sản phẩm của doanh nghiệp nào doanh nghiệp đó chịu trách nhiệm bảo hộ) vì sản phẩm không thuộc tài sản quốc gia.
“Trừ khi tài sản là thương hiệu quốc gia thì Chính phủ mới lấy tiền thuế của dân, tiền của Chính phủ ra để làm thương hiệu trên thế giới. Trong vấn đề gạo ST25 bị mất thương hiệu tại Mỹ, trách nhiệm này không thuộc Bộ Công Thương.
Nếu như sản phẩm này là Vietnam Airline, hoặc là Gạo ST25 Việt Nam (chứ không phải Sóc Trăng-PV) thuộc thương hiệu quốc gia thì Bộ Công Thương có trách nhiệm bảo hộ, còn trong vụ việc cụ thể này là việc cá nhân của từng doanh nghiệp”, doanh nhân này nhấn mạnh.
Doanh nhân này cũng cho biết, hiện nay, có 4-5 doanh nghiệp đăng ký thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ thì việc này cũng rất bình thường trong lĩnh vực thương mại.
Ở Mỹ, trước khi một doanh nghiệp nào đó nhập hàng của Việt Nam, hay của các nước trên thế giới về, trước khi làm marketing đều phải đăng ký bảo hộ, để sau khi làm marketing thành công còn bán được.
Nếu không, khi làm marketing thành công rồi, một doanh nghiệp khác “nhảy vào” nhập hàng để bán thì rất thiệt hại. “Không chỉ ở Mỹ, hầu hết các nước trên thế giới đều làm như vậy”, doanh nhân này khẳng định
Trách nhiệm của bộ, ngành thế nào?
Về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia WTO và ký kết các hiệp định song phương và đa phương có mức độ tự do hóa thương mại đầu tư rất cao, với những cam kết chặt chẽ, cụ thể trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cam kết về quyền sở hữu trí tuệ tại Hiệp định TRIPs của WTO và các cam kết về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở các Hiệp định thương mại tự do.
Theo đó, ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ) có chức năng thực hiện các biện pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các lợi ích hợp pháp liên quan đến xác lập quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và quốc tế trên cơ sở quy định của pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế.
Còn liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu gạo, ông Phú cho biết, Việt Nam đã có Quyết định số 706 phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo quốc gia.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện các giải pháp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam tại các nước thông qua việc xây dựng và triển khai dự án bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trong nước và trên thị trường quốc tế.
"Tuy nhiên, trong mọi trường hợp liên quan đến tranh chấp về bảo hộ sở hữu trí tuệ, phải khẳng định trách nhiệm đầu tiên thuộc về doanh nghiệp, vì đây là tài sản (trí tuệ) của doanh nghiệp.
Thậm chí, nếu cơ quan nhà nước có cảnh bảo hoặc khuyến cáo về nguy cơ, nhưng doanh nghiệp không mong muốn, không chủ động hay không hợp tác để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở một thị trường cụ thể thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể làm thay được doanh nghiệp", ông Phú cho hay.