Tờ The Hill dẫn lời ông Chuck Schumer - lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ - ngày 10-5 cho biết Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong tháng này.
Dự luật - do ông Schumer, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Todd Young cùng những nghị sĩ khác tài trợ - khi được thông qua sẽ có tên là "Đạo luật Biên giới Vô tận" (Endless Frontier Act).
Lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ sẽ bắt đầu xem xét dự luật vào ngày 12-5, vốn đã bị trì hoãn sau khi các thượng nghị sĩ đệ trình hàng trăm sửa đổi cho dự luật.
"Ủy ban Thương mại Thượng viện sẽ bắt đầu xem xét dự luật Biên giới Vô tận. Một số ủy ban khác của Thượng viện đang làm việc về dự luật lưỡng đảng này nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của chúng ta và đưa Mỹ trở thành nhà lãnh đạo thế giới về sản xuất, đổi mới và chuỗi cung ứng tiên tiến" - ông Schumer cho biết.
"Ý định của tôi là yêu cầu Thượng viện xem xét toàn diện điều khoản về cạnh tranh trong giai đoạn này" - ông Schumer nói thêm.
Theo dự luật, một Ban giám đốc Công nghệ và Đổi mới tại Quỹ Khoa học Quốc gia sẽ được thành lập, sử dụng 100 tỉ USD từ quỹ liên bang trong năm năm để nghiên cứu các công nghệ quan trọng của Mỹ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử và chất bán dẫn, trước sức ép cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc.
Dự luật này cũng cho phép bổ nhiệm vị trí quan chức sản xuất của Nhà Trắng, người đứng đầu Văn phòng Chính sách Đổi mới Công nghiệp và Sản xuất mới.
Ngoài ra, dự luật cũng sẽ ủy quyền 10 tỉ USD để chỉ định ít nhất 10 trung tâm công nghệ khu vực và tạo ra một chương trình ứng phó khủng hoảng chuỗi cung ứng.
Ông Schumer hy vọng dự luật sẽ nhận được 60 phiếu bầu cần thiết để được thông qua.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ của Ủy ban Nghiên cứu đảng Cộng hòa tại Hạ viện cho rằng dự luật này có chi phí quá lớn và cần phải có những hành động cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh liên quan vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và gián điệp công nghiệp.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 2 cho biết sẽ kêu gọi 37 tỉ USD nhằm thúc đẩy việc sản xuất chip điện tử tại Mỹ trong bối cảnh sự thiếu hụt chất bán dẫn đã buộc các nhà sản xuất ô tô Mỹ và các nhà sản xuất khác phải cắt giảm sản xuất.
Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỉ USD do ông Biden đề xuất cũng kêu gọi 50 tỉ USD cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn.
Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin đánh giá dự luật này là "quan trọng trong việc thực hiện các bước dứt khoát nhằm khôi phục khả năng cạnh tranh của Mỹ trong 10 ngành công nghệ tiên tiến then chốt của tương lai, chẳng hạn công nghệ sinh học, năng lượng sạch và chất bán dẫn".