2 tàu tuần tra vũ trang gồm tàu HMS Severn được điều ngày 5-5 và HMS Tamar được điều ngày 6-5. Cả hai tàu đều được trang bị súng đại bác và súng máy nhằm ngăn chặn các hành động tấn công của chiến thuyền cơ động.
Việc Thủ tướng Johnson điều tàu chiến đến khu vực tranh chấp đánh cá với Pháp được quyết định sau khi có cuộc họp giữa ông với Thống đốc hòn đảo Jersey là John Le Fondré. Theo báo chí, ông Fondré đã báo cáo với Thủ tướng Johnson về tình hình diễn biến trên biển cho thấy các đội tàu cá Pháp “đang chuẩn bị cho tình huống bao vây” hòn đảo này. Đây không phải lần đầu Thủ tướng Anh điều tàu chiến để bảo vệ lợi ích trong tranh chấp hàng hải. Trong thập niên 1970, Thủ tướng Anh từng điều tàu chiến trong cuộc tranh chấp đánh cá thu với ngư dân Iceland.
Các tàu cá Pháp dọa “bao vây” hòn đảo Jersey để phản đối. |
Quyền khai thác hải sản trong vùng biển chồng lấn giữa Anh và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu là một trong những vấn đề mấu chốt từng khiến cho tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU liên tục thất bại và kéo dài. Rốt cuộc, thỏa thuận đã được ký kết vào tháng 12-2020.
Tranh chấp về quyền đánh cá bắt đầu xảy ra từ tuần trước khi các tàu cá của Pháp vốn có truyền thống đánh bắt hải sản trong vùng eo biển Manche nộp hồ sơ lên chính quyền hòn đảo Jersey để xin giấy phép đánh bắt theo quy định của thỏa thuận đã ký giữa Anh và EU nhưng chính quyền Jersey không cấp phép đầy đủ như thường lệ. Trong 41 tàu nộp hồ sơ có 17 tàu không được cấp phép vì không đáp ứng được các yêu cầu do phía chính quyền Jersey đưa ra. Sang đầu tuần, vụ việc trở nên căng thẳng.
Hòn đảo Jersey thuộc Vương quốc Anh nằm trong vùng biển Manche tại vị trí gần vùng Normandy của Pháp. Do vị trí địa lý gần lãnh thổ Pháp nên nhiều hoạt động kinh tế, xã hội cũng như việc cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho hòn đảo này hầu hết đều do Pháp cung cấp. Trong đó, Pháp cung cấp đến 95% nhu cầu điện cho Jersey thông qua 2 đường dây cáp ngầm dưới biển. Ngày 4-4, Bộ trưởng Hải dương Pháp Annick Girardin tuyên bố trước Quốc hội rằng Paris có quyền hành động khi lợi ích của ngư dân bị xâm phạm.
Bà Girardin cho rằng nếu cần thiết, Paris có thể cắt nguồn cung cấp điện cho hòn đảo Jersey để buộc chính quyền hòn đảo này phải thực hiện đúng theo các quy định trong thỏa thuận đã ký kết. Đồng thời, người đứng đầu vùng Normandy Dimitri Rogoff cũng tuyên bố hơn 100 tàu cá Pháp sẽ đến khu vực xung quanh đảo Jersey để phản đối. Hành động này được hiểu là sự bao vây của tàu cá Pháp đối với đảo Jersey.
Ngay sau các tuyên bố của bà Girardin và ông Rogoff, chính quyền hòn đảo Jersey đã “cầu cứu” London. Ngoại trưởng Jersey Ian Gorst chỉ trích việc ông Girardin dọa cắt điện cho Jersey là hành động “không thể chấp nhận được” và “không tương xứng”.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Bộ trưởng phụ trách chính sách thương mại Greg Hands đã “nói chuyện” với người đồng cấp Pháp để thảo luận vấn đề. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh cho rằng việc điều 2 tàu tuần tra đến đảo Jersey là hành động đã được tính toán rất thận trọng nhằm tránh gây ra bất cứ sự “hiểu nhầm” nào có thể làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Tàu tuần tra HMS Severn của Anh. |
Một nguồn tin Chính phủ Anh lưu ý rằng việc bà Girardin dọa cắt nguồn cung cấp điện cho Jersey được đưa ra dựa theo việc kích hoạt Điều 16 vào tháng 1-2021 về việc thiết lập đường “biên giới vaccine” trên đảo Ireland, trong đó cảnh báo việc các quốc gia EU có thể cấm xuất khẩu sang Anh và đề xuất gần đây từ Bộ trưởng các vấn đề EU của Pháp thành phố London sẽ bị ảnh hưởng nếu Chính phủ Anh thay đổi hoặc không thực hiện các cam kết về đánh bắt cá.
Ngoại trưởng Gorst nói rằng việc cắt nguồn cung cấp điện cho Jersey sẽ buộc hòn đảo này phải cho hoạt động lại một nhà máy điện chạy bằng dầu, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mục tiêu tăng trưởng xanh của hòn đảo. Nhưng, ông Gorst cũng nói thêm rằng ông tin nước Pháp sẽ chỉ có thể thực thi lời dọa của mình vào năm 2026, khi kết thúc thỏa thuận hiện tại giữa EU và Anh về cung cấp năng lượng.
Tuy nhiên, việc tháo ngòi căng thẳng và tìm hướng giải quyết tranh chấp vào lúc này là quan trọng hơn hết. Chính quyền đảo Jersey đã hội ý với Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice vào chiều 6-5 về vấn đề này. Sau vài giờ tuần tra xung quanh đảo Jersey, chiều 6-5, 2 tàu HMS Severn và HMS Tamar đã rút về căn cứ. Tuy nhiên, hải quân Anh tuyên bố 2 tàu vẫn trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Chính quyền đảo Jersey cũng có vẻ “xuống thang” khi giải thích rằng việc không cấp phép khai thác hải sản cho 17 tàu cá Pháp là do thiếu sự hướng dẫn về cách thức triển khai các thỏa thuận mới giữa Anh và EU.
An Châu (Tổng hợp)Xem thêm: /845046-ac-hnad-neyuq-pahc-hnart-iv-gnaht-gnac-pahP-hnA/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna