Điều cần thiết là giữ bình tĩnh
Quỳnh Thư
(KTSG Online) - Chỉ mới hơn một tuần trước đây, khi người thân ở TPHCM điện thoại hỏi thăm về tình hình tại Đà Nẵng sau khi có thông tin về ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng tại thành phố này, Trọng Nhân (tên đã được đổi), người Đà Nẵng, chỉ cười rồi nói: “Đừng lo! Không sao đâu!”. Nhưng từ tối qua (11-5), sau khi tin tức cho biết khu công nghiệp An Đồn ở Đà Nẵng phải phong tỏa ngay trong đêm với kết quả xét nghiệm bước đầu hơn 30 ca lây nhiễm, Nhân không còn sự tự tin đó. Anh càng thấy lo hơn bởi cách nhà mình không xa lắm, một ca nhiễm trong cộng đồng khác ở Đà Nẵng cũng vừa được công bố.
Không riêng gì Nhân, nhiều người khác khắp Việt Nam đang lo lắng với tin tức dồn dập về các ca nhiễm trên 24 tỉnh, thành cả nước. Cho đến nay, đợt lây nhiễm mới nhất của Covid-19 nhanh hơn hẳn các lần trước. Cứ nhìn vào biểu đồ thống kê của Bộ Y tế được các báo mạng đăng lại sẽ thấy rõ điều đó(1).
Biểu đồ này chia Covid-19 ở Việt Nam thành ba giai đoạn, từ 23-1-2020 đến 24-7-2020 (6 tháng), từ 25-7-2020 đến 27-1-2021 (6 tháng), và từ 28-1-2021 đến 12 giờ trưa ngày 12-5-2021 (3 tháng rưỡi). Trong mỗi giai đoạn, tổng số ca nhiễm đều cao hơn trước: giai đoạn 1 có 415 ca; giai đoạn 2 có 1.136 ca (gần gấp 3 lần); giai đoạn 3 (chưa đầy 3 tháng rưỡi) có 2.042 ca (gần gấp đôi).
Đáng lo hơn, số ca lây nhiễm trong nước cũng đã cao hơn hẳn số nhập cảnh; từ chỉ bằng 1/3 trong giai đoạn 1 (106 ca trong nước so với 309 ca nhập cảnh), tăng lên ngang nhau trong giai đoạn 2 (554 ca trong nước so với 582 ca nhập cảnh), thì nay đã gần gấp 3 lần (1.490 ca trong nước so với 552 ca nhập cảnh).
Dù chẳng thấm tháp vào đâu so với dịch bệnh ở Ấn Độ hay ở Mỹ, những con số trên vẫn đáng lo. Tuy nhiên, điều làm mọi người lo lắng hơn là nếu tình hình tiếp tục xấu đi nghiêm trọng, chuyện gì sẽ xảy ra? Nguy cơ này cũng đã được giới chức có trách nhiệm cảnh báo, từ người đứng đầu chính quyền các tỉnh, thành cho đến Bộ trưởng Y tế cũng như Thủ tướng.
Nguy cơ đó cũng đã được chuyển tải đến công chúng qua bài vở tràn ngập các báo về diễn biến của dịch bệnh. Tuy vậy, chúng ta có thể lo lắng về dịch bệnh vì đó là điều cần thiết, nhưng trở nên quá sợ hãi thì không nên chút nào.
Dù số ca nhiễm ở Việt Nam đang tăng lên từng ngày, dịch bệnh vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát. Nhà nước đang huy động tổng lực ngăn chặn Covid-19 trên con đường thực sự trở thành “đại dịch” ở Việt Nam. Nỗ lực này đang nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội. Xét cho cùng, không ai có thể đứng ngoài cuộc chiến này vì kết quả sẽ ảnh hưởng đến sự an nguy của tính mạng của từng người. Người dân cần cảnh giác với dịch bệnh, không chấp nhận mọi thái độ cực đoan, từ sự xem thường cho rằng virus corona sẽ “không làm được gì mình” cho đến sợ hãi thái quá.
Điều quan trọng trong lúc này là cứ giữ bình tĩnh để sẵn sàng ứng phó với tình hình mới. Người dân cần theo dõi sát sao diễn biến của dịch bệnh để thực hiện các yêu cầu từ các cơ quan chức năng.
Qua tin tức báo chí đăng tải, chính quyền dường như đã tiên liệu các kịch bản khác nhau, kể cả kịch bản xấu nhất, để không phải bất ngờ nếu tình hình trở nên tệ hơn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nên đưa ra nhiều chi tiết hơn và cũng cần chuẩn bị sẵn các hướng dẫn cụ thể người dân cần thực hiện với từng kịch bản để thông báo kịp thời cho dân khi cần. Chẳng hạn, khi vào trang web của Cơ quan Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC Hoa Kỳ), người ta có thể đọc được hướng dẫn bằng tiếng Việt từng bước một người bệnh phải làm gì nếu mắc Covid-19(2). Người viết bài này không thấy nội dung tương tự trên trang web của Cục Y tế dự phòng (CDC Việt Nam), chỉ thấy tin tức cập nhật diễn biến của dịch bệnh. Hoặc nếu đã có nội dung nêu trên, cần thông báo rộng rãi để người dân có thể truy cập được.
Về phần mình, ngoài cập nhật tình hình dịch bệnh, báo chí cũng cần theo dõi và hối thúc các cơ quan chức năng đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho người dân theo diễn biến mới. Nên lưu ý rằng chúng ta đưa tin kịp thời chính xác kể cả tin tức xấu nhất không có nghĩa là chúng ta gây ra sự sợ hãi.
Hôm nay (12-5), Trọng Nhân, người được nêu ở đầu bài viết và là một viên chức nhà nước, làm việc tại nhà theo yêu cầu của nơi anh làm việc. Không loại trừ khả năng Nhân sẽ dành thời gian tham khảo các thông tin nêu trên, nếu có. Chắc chắn những thông tin kịp thời, cần thiết của cơ quan chức năng và báo chí sẽ giúp anh bình tĩnh đối phó với những gì sắp diễn ra. Trong những đợt tấn công trước của con virus corona, Việt Nam đã có sự bình tĩnh và tự tin cần thiết. Nhờ đó, chúng ta đã thắng nó. Hy vọng lần này cũng vậy.
-----------------
(1)https://dantri.com.vn/suc-khoe/trua-125-viet-nam-them-22-ca-covid-19-20210512120936532.htm#&gid=1&pid=1
(2)https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/if-you-are-sick/steps-when-sick.html
Xem thêm: lmth.hnit-hnib-uig-al-teiht-nac-ueid/062613/nv.semitnogiaseht.www