Việc hình thành các hành vi xấu sẽ tạo ra một nơi làm việc "độc hại", và chúng có thể xảy ra trong bất kỳ loại hình tổ chức nào. Ngay cả trong những tổ chức chuyên nghiệp nhất cũng xảy ra xích mích bởi sự thiếu tôn trọng, những hành vi soi mói hoặc phá hoại giữa các đồng nghiệp với nhau.
Nhà tâm lý học kinh doanh Clive Lewis, người thường xuyên giải quyết các tranh chấp tại nơi làm việc cho biết: Những hành vi gây mâu thuẫn kia vẫn diễn ra khi làm việc tại nhà.
Trong 20 năm qua, Lewis đã từng giải hòa cho nhiều loại xung đột khác nhau, từ các cuộc chiến kéo dài giữa các đội y tế truyền thống và khoa học tiến tiến, cho đến mâu thuẫn giữa các cá nhân trong công ty. Phát biểu trước khi xuất bản cuốn sách "Toxic" mới nhất của mình, ông nói rằng mặc dù luôn có những nơi làm việc độc hại, nhưng sự phát triển của luật lao động đã khiến vấn đề trở nên nổi cộm hơn.
Ông nói: "Nhân viên đã có nhận thức rõ hơn về quyền lợi của họ và điều này đã thay đổi tính nặng nhẹ trong các cuộc cãi vã. Mọi người đều có thể tìm hiểu về luật pháp hay chính sách trong các tranh chấp của họ. Trong khi đó, các phong trào như Black Lives Matter và Me Too cũng góp phần khiến mọi người mạnh dạn từ chối làm việc cho những ông chủ hay bóc lột sức lao động và văn hóa làm việc cổ hủ.
Các hành vi bóc lột như vậy không chỉ đơn giản là sai trái và gây tổn hại cho nhân viên mà còn dẫn đến việc giảm năng suất, thay đổi nhân sự liên tục và thường để lại vết nhơ cho danh tiếng của tổ chức"
Rối loạn chức năng
Lewis chỉ ra rằng, vào năm 2018, "độc hại" là từ có lượng tìm kiếm tăng 45% trên trang web của Từ điển tiếng Anh Oxford. Ý nghĩa ban đầu của nó là vậy, nhưng nó cũng là một từ viết tắt tập hợp các điều kiện làm việc không như mong muốn.
Trong nhiều năm giải quyết xung đột cho các tổ chức, Lewis đã phát triển một mô hình để xác định những người có hành vi tạo ra môi trường làm việc độc hại. Ông gọi các đối tượng trong mô hình là "bộ ba độc hại" bao gồm: nhân viên, cấp quản lý và cấp lãnh đạo. Nếu một trong số những đối tượng này tạo ra giá trị thấp hơn, đó là một vấn đề. Nếu hai hoặc cả ba đối tượng đều chưa làm tròn trách nhiệm theo chức vụ của mình, thì đó sẽ là môi trường làm việc độc hại.
Lewis nói: "Ban đầu, nhân viên cần phải suy nghĩ về hành vi của chính họ. Song song đó, các nhà quản lý phải khắc phục sự cố ngay khi có vấn đề phát sinh. Các cấp tổ chức cũng phải xem xét tổng thể hệ thống của mình để xem liệu mình có đang phân quyền cho đúng đối tượng để phát triển hoặc tồn tại tổ chức lâu dài hay chưa. Môi trường làm việc không nhất thiết phải hoàn toàn tốt đẹp nhưng ta cũng cần có những ứng xử tích cực từ tập thể để họ tôn trọng và khoan dung với nhau hơn.
Lewis cho biết thêm: "Một nơi làm việc độc hại có thể khiến mọi người muốn nhanh chóng rời khỏi. Nhân viên có thể mô tả nơi làm việc của họ là ngột ngạt hoặc thậm chí họ sẽ tìm cách để nhanh chóng thoát khỏi đó. Họ sẽ đưa ra nhiều lý do bao gồm nghỉ ốm, báo việc gia đình hoặc nghỉ việc không báo trước. Tất cả những lý do trên đều trở nên chính đáng khi người ta muốn tìm kiếm một cái cớ để rời khỏi nơi họ không còn muốn làm việc".
Các tổ chức có môi trường làm việc độc hại thường có mức độ tin cậy thấp, điều hướng hệ thống sai lệch, quản lý kém và nhân viên luôn trong trạng thái sợ hãi. Các nhà quản lý thường ít thể hiện sự tôn trọng hoặc quan tâm đến nhân viên. Trong khi đó, một nhân viên hay tiêu cực thường không làm được việc, thiếu trách nhiệm và dễ gây bất hòa.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng trong môi trường làm việc nhiều xung đột là những xích mích sẽ không dừng lại khi một ngày làm việc kết thúc. Nó còn tác động đến cuộc sống riêng tư của mọi người, dẫn đến bệnh tật, lo lắng, trầm cảm và mất ngủ. Mọi người cũng sẽ thường xuyên cảm thấy bất an tại nơi làm việc.
Lewis nói: "Việc hay xích mích với đồng nghiệp có thể khiến bạn hay soi xét từng hành động của họ, theo đó bạn sẽ liên tục muốn tạo ra các xung đột. Và với 5 thế hệ hiện đang tạo ra lực lượng lao động, mỗi thế hệ có những giá trị và đạo đức làm việc khác nhau, điều này cũng mang một khía cạnh khác cần phải đối mặt".
Đồng nghiệp khó tính
Một trong những lợi ích khi làm việc tại nhà là có thể tránh được những đồng nghiệp khó tính. Nhưng Lewis cho biết, ở một số khía cạnh, làm việc từ xa vẫn khiến một số thứ trở nên tồi tệ hơn.
Ông nói: "Nhiều tổ chức đã không phân bổ đủ nguồn lực hoặc không nghĩ ra những cách giúp mọi người làm việc tại nhà một cách hiệu quả. Ví dụ, nhân viên không có giờ nghỉ giải lao thích hợp"
Lewis nói: "Tôi biết có một tổ chức luôn theo dõi nhân viên làm việc theo từng phút tại văn phòng nhưng họ lại chưa điều chỉnh phần mềm làm việc tại nhà. Điều này làm cho môi trường làm việc từ xa trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Làm việc tại nhà cũng gia tăng việc 'thuyết trình', mọi người thường gửi email vào đêm muộn hoặc sáng sớm để tạo ấn tượng với cấp trên rằng mình đang chăm chỉ làm việc ngoài giờ."
Lewis cho biết thêm rằng đối với các nhân viên có hành vi không hợp tác khi làm việc tại nhà, chẳng hạn như từ chối gọi video với đồng nghiệp hoặc quên kết thúc cuộc gọi và quay sang làm việc khác. Những điều đó là nguyên nhân mới góp phần tạo ra xung đột giữa các cá nhân ngày càng nghiêm trọng hơn.
Sợ bị sa thải
Làm việc tại nhà cũng tạo cho nhân viên cảm giác sợ bị sa thải. Chúng ta càng ít bị kiểm soát, áp lực có thể gặp sẽ càng lớn. "Sự căng thẳng xảy ra khi chúng ta cảm thấy không thể đối phó hoặc bất an với những vấn đề khó phải đối mặt. Khi mọi người cùng truy cập vào một mạng lưới cùng lúc, giống như khi làm việc tại nhà, mọi người sẽ dễ dàng thấy mình có trạng thái này".
Lời khuyên của Lewis cho các tổ chức không muốn biến môi trường làm việc trở nên độc hại là hãy giải quyết các tranh chấp một cách nhanh chóng.
Ông nói: "Vào năm 2016, tôi đã thực hiện một số nghiên cứu cho thấy rằng trung bình phải mất 19 tháng và hai tuần trước khi một cuộc xung đột được hòa giải. Điều đó có nghĩa là ai đó đã có 589 đêm mất ngủ trước khi nhận được các giải pháp cho mình."
Mộc Dương
Theo Irishtimes