vĐồng tin tức tài chính 365

TPHCM: Đầu tư qua M&A giảm mạnh kéo vốn ngoại sụt giảm

2021-05-16 09:54

TPHCM: Đầu tư qua M&A giảm mạnh kéo vốn ngoại sụt giảm

Lê Hoàng

(KTSG Online) - Dù dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đăng ký tăng hơn 80% nhưng lượng giao dịch qua hình thức đầu tư mua bán - sáp nhập (M&A) trong cùng thời gian này bị sụt giảm mạnh đã kéo tổng nguồn vốn ngoại vào TPHCM trong 4 tháng đầu năm sụt giảm gần 13%.

Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, tổng vốn đăng ký FDI cấp phép mới, vốn FDI điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần trong năm 2020 của thành phố đạt khoảng 4,36 tỉ đô la Mỹ, giảm đến 47,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn vốn ngoại đăng ký và cam kết đầu tư vào Việt Nam năm vừa qua bị sụt giảm tất cả các hình thức đầu tư.

Thông tin này được lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM nêu trong báo cáo về Tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh trên địa thành phố của tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 mới đây.

Cải cách hành chính: cơ quan chức năng quá 15 ngày không trả lời xem như đồng ý

Lĩnh vực bán buôn - bán lẻ của TPHCM thu hút nguồn vốn FDI nhiều nhất trong 4 tháng đầu năm 2021. Trong ảnh là nhộn nhịp mua sắm tại một trung tâm Aeon Mall ở TPHCM. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Bất ngờ nguồn vốn qua giao dịch M&A sụt giảm mạnh

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm nay, thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 100 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 360 triệu đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, dù kết quả này bị sụt giảm đến 72,9% số dự án cấp mới nhưng lại tăng đến 80,33% số vốn đầu tư.

Khác với tình hình chung cả nước thường nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rót vào chủ yếu là lĩnh vực chế biến - chế tạo chiếm khoảng 60-70% tổng vốn FDI đăng ký, nguồn vốn này rót vào TPHCM đăng ký tập trung chủ yếu là bán buôn - bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy, đạt hơn 225 triệu đô la (chiếm khoảng 62,5% vốn cấp mới), thông qua 46 dự án được cấp phép.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản dù chỉ có 5 dự án được cấp phép trong cùng thời gian trên nhưng có vốn đăng ký cao đứng ở vị trí thứ hai, đạt 125,8 triệu đô la (chiếm 34,9%).

Một số quốc gia có vốn đầu tư FDI vào TPHCM cao gồm Nhật Bản 210 triệu đô la (chiếm 58,3%); Hà Lan 80,7 triệu đô la (chiếm 22,4%); và Singapore là 36,3 triệu đô la (chiếm 10,1%).

Tương tự, trong cùng thời gian trên có 30 lượt dự án FDI được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 403 triệu đô la, giảm 49,15% về số dự án và tăng gần 274% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, xét về dòng vốn FDI đăng ký mới và bổ sung thêm để mở rộng hoạt động, trong 4 tháng qua có mức tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ năm ngoái dù trong bối cảnh đại dịch do Covid-19 đang bị ảnh hưởng nặng nề khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế ở các nước bị hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, dòng vốn ngoại chảy vào TPHCM qua hình thức đầu tư "thâu tóm" hoặc mua cổ phần doanh nghiệp trong nước trong những năm qua luôn thể hiện sự vượt trội so với hình thức đầu tư trực tiếp (FDI) thì trong cùng thời gian trên lại quay đầu sụt giảm mạnh.

Cụ thể trong 4 tháng vừa qua, thành phố đã chấp thuận cho 547 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn góp đăng ký tương đương 377,63 triệu đô la, giảm gần 68% về số trường hợp và giảm đến 62,33% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây được xem là một kết quả khá bất ngờ trong bối cảnh giới phân tích cho rằng dòng vốn ngoại có nhiều cơ hội mua được cổ phần hoặc thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam với giá tốt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn hoặc khó trụ vững bởi sự càn quét của đại dịch Covid-19 hoành hành và kéo dài trong khoảng 1,5 năm qua. 

Chính vì giao dịch đầu tư qua hình thức M&A bị sụt giảm mạnh đã kéo tổng nguồn vốn ngoại đăng ký vào thành phố bị sụt giảm theo.

Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 1,14 tỉ đô la, giảm 12,92% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm ngoái.

Cam kết mạnh mẽ từ chính quyền

Bất động sản vẫn là một trong những lĩnh vực thu hút nhiều nguồn vốn FDI vào TPHCM. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Chia sẻ với nhà đầu tư trong và ngoài nước tại một cuộc đối thoại gần đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết trước đây vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố tăng cao, mỗi dự án giá trị trung bình khoảng 2 triệu đô la. Tuy nhiên, đến năm 2020 - năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, vốn đầu tư trong và ngoài nước vào TPHCM bị sụt giảm, trong đó mỗi dự án đầu tư nước ngoài chỉ còn khoảng 500.000 đô la.

Do đó, hàng loạt giải pháp mạnh mẽ nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi được TPHCM đặt ra để triển khai trong "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư" này.

Gần đây, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 và triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư năm 2021 của thành phố.

Cụ thể, các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính; công tác phối hợp giữa các cơ quan; tiếp cận nguồn lực đất đai; chuyển đổi số và khoa học công nghệ; đầu tư công; quy hoạch và xây dựng; lao động và đào tạo nguồn lao động; tiếp cận nguồn lực tài chính; thiết chế pháp lý, an ninh trật tự và nhóm giải pháp về khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Đầu tháng 4-2021, người đứng đầu chính quyền TPHCM đã ký Quyết định số 1229 ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, TPHCM đặt mục tiêu cải thiện ngay chỉ số PCI ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, tăng điểm và tăng hạng qua từng năm, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 đứng trong nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về PCI (năm 2020 ở vị trí thứ 14).

Thành phố cũng kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp tự hoàn thiện để có các bước cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; đưa thành phố vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế - xã hội ở nhóm tốt nhất cả nước.

Đồng thời, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng chuyển đổi số hướng đến phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó giúp các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Xem thêm: lmth.-maig-tus-iaogn-nov-oek-hnam-maig-am-auq-ut-uad-mchpt/833613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“TPHCM: Đầu tư qua M&A giảm mạnh kéo vốn ngoại sụt giảm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools