Sáng nay, 18-5, tại huyện Thanh Hà, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức lễ mở vườn hái vải và cắt băng xuất khẩu vải đi Nhật Bản, Mỹ, Úc, châu Âu, Singapore...
Sau lễ mở vườn là hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương năm 2021. Đây là hội nghị xúc tiến thương mại có quy mô quốc tế đầu tiên Hải Dương tổ chức.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến với 36 điểm cầu chính trong và ngoài nước, trong đó có 5 điểm cầu trong nước và 31 điểm cầu nước ngoài ở 12 quốc gia.
Tham dự có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái... cùng hàng trăm doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, các siêu thị lớn trong và ngoài nước.
Lễ mở vườn hái vải và cắt băng xuất khẩu vải đi Nhật Bản năm 2021 tại huyện Thanh Hà, Hải Dương. Ảnh: VA
Năm 2021, diện tích vải của toàn tỉnh Hải Dương vào khoảng 9.500ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 50.000-55.000 tấn. Đến nay, cơ bản diện tích vải tại huyện Thanh Hà và huyện Chí Linh đã sản xuất theo hướng VietGap, trong đó có khoảng 1.000ha được cấp chứng nhận VietGap, 520ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap với 50ha đã được cấp chứng nhận. Nhờ vậy, thị trường xuất khẩu của quả vải đã mở rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái cho biết, mỗi năm, Hải Dương cung cấp ra thị trường 750.000 tấn gạo, 700.000 tấn rau, củ, 300.000 tấn trái cây và 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Đặc biệt, Hải Dương có đặc sản vải thiều Thanh Hà nức tiếng gần xa đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.
"Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hải Dương đã chủ động xây dựng kịch bản phù hợp, vừa thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Năm nay việc kết nối và tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được tỉnh đặc biệt quan tâm" - ông Thái nói.
Vải thiều Thanh Hà đã được cấp chỉ dẫn địa lí vào năm 2007. Ảnh: VA
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong vai trò, chức trách của mình, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với UBND và các đơn vị của tỉnh Hải Dương triển khai nhiều hoạt động như chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia đưa nông sản và quả vải thiều lên các kênh thương mại điện tử uy tín gắn với việc truy xuất nguồn gốc.
"Bộ Công Thương luôn sẵn sàng tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng tỉnh Hải Dương trong việc tiêu thụ vải thiều nói riêng và nông sản nói chung" - Thứ trưởng Hải nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng khẳng định, vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung đã tạo được sự lan tỏa nhất định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Thời gian qua, dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng Hải Dương đã biến khó khăn thành lợi thế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi.
Thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Hải Dương cần định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, quan tâm tới khâu chế biến nhằm tránh rủi ro mùa vụ, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng...
Trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra lễ khởi động chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương lên sàn thương mại điện tử Lazada, Sen Đỏ; các hoạt động giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với của quả vải thiều Thanh Hà và nông sản như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan…