Nhà đầu tư ngoại “lướt sóng” điện mặt trời
Thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc,... đã trở thành những ông chủ mới của các dự án điện mặt trời có tiếng tại Việt Nam.
Thông qua hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần với doanh nghiệp Việt Nam, các tập đoàn nước ngoài đã sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió và hưởng mức giá ưu đãi khoảng 2.000 đồng một kWh trong 20 năm.
Điển hình như 2 nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do tập đoàn Thành Thành Công và tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019.
Khi đó tập đoàn Thái Lan sở hữu 49% vốn nhưng trong lần thay đổi gần nhất, Gulf đã tăng mức nắm giữ lên 90%. Ông Prasert Thirati - Giám đốc công ty Gulf Việt Nam cũng đồng thời trở thành người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần Đầu tư năng lượng xanh TTC, Công ty cổ phần Gulf Tây Ninh 1, Gulf Tây Ninh 2.
Ngoài các dự án điện mặt trời tại Tây Ninh, tập đoàn Thái Lan còn nắm trong tay các dự án điện gió tại Bến Tre với tỷ lệ sở hữu 95%.
Công ty Super Energy Corporation cũng đến từ Thái Lan đã mua lại cổ phần và đầu tư vào điện mặt trời Văn Giáo 1, 2 tại An Giang; các dự án điện gió Thịnh Long (Phú Yên), Sinenergy Ninh Thuận. Đến nay, doanh nghiệp này đã tham gia hơn 10 dự án.
Hay công ty năng lượng B.Grimm Power, một nhánh đầu tư của tập đoàn Thái Lan B.Grimm cũng đã sở hữu dự án lớn nhất Đông Nam Á về năng lượng sạch. Ban đầu, công ty này liên danh liên kết với nhà đầu tư trong nước để làm dự án, rồi dần nâng sở hữu lên đa số. Trong đó, phải kể đến việc liên kết với doanh nghiệp trong nước để làm dự án điện mặt trời Dầu Tiếng.
Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng khánh thành, công ty đã đổi người đại diện theo pháp luật và chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Preeyanat Soontornwata - Chủ tịch B.Grimm Power là người đại diện theo pháp luật của công ty và nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Mới đây nhất, tập đoàn Trung Nam đã quyết định chuyển nhượng 49% cổ phần tại dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW cho đối tác ACIT. Tiếp đó, ngày 14/5, công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam tiếp tục ký kết hợp tác chiến lược với công ty Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE), thuộc tập đoàn Hitachi (Nhật Bản) và theo đó đối tác Nhật sở hữu 35,1% cổ phần tại nhà máy điện gió Trung Nam.
Lo ngại về an ninh năng lượng quốc gia
Việc doanh nghiệp tư nhân ồ ạt chuyển nhượng dự án năng lượng tái tạo nói trên, nhất là trong thời gian ngắn khiến các chuyên gia trong ngành bày tỏ sự lo lắng. Bởi, năng lượng là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan đến an ninh năng lượng và ổn định kinh tế xã hội của một quốc gia. Vì thế, hiện tượng bán vốn chi phối cho đối tác ngoại khiến cho nhiều người đặt câu hỏi.
Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, quy định phê duyệt xây dựng các dự án năng lượng tái tạo cho các nhà đầu tư trong nước đã có, dẫu vậy, điều dư luận quan tâm là thời gian vận hành dự án của chính doanh nghiệp được Nhà nước phê duyệt phải được thực hiện trong thời gian bao lâu.
Theo bà Phạm Chi Lan, thông thường đối với các dự án quan trọng của các quốc gia thì đều có quy định ưu tiên cho nước chủ nhà được mua lại dự án.
"Hơn nữa, những dự án năng lượng được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài hầu như đều mới vận hành, hoặc vận hành giữa chừng. Điều tôi quan ngại là những rủi ro đến từ quá trình chuyển giao, nhất là việc tiếp tục vận hành các dự án năng lượng có đảm bảo được thời gian lâu dài hay không, hay lại tiếp tục bán cho đối tác khác? Nói như vậy, bởi đây không chỉ là vấn đề an ninh năng lượng mà còn cả an ninh quốc gia, không thể xem nhẹ vấn đề này", vị chuyên gia băn khoăn.
“Kể cả đối với nhà đầu tư nước ngoài, Nhà nước Việt Nam nên có quyền từ chối đối tượng được nhà đầu tư chọn chuyển nhượng dự án, nếu đối tượng đó không đủ năng lực hoặc có nguy cơ gây phương hại cho an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng của Việt Nam”, bà Lan nói và nhấn mạnh rằng, việc doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần tại dự án năng lượng phải chọn các đối tác có năng lực tài chính và công nghệ vững mạnh.
Lý giải về việc các nhà đầu tư nước ngoài phải “đi đường vòng”, bà Lan cho rằng, các tập đoàn năng lượng nước ngoài hiếm khi tự đi phát triển dự án tại Việt Nam để tránh các vấn đề pháp lý, thủ tục.
“Nếu có thể rút ngắn được các vấn đề về thủ tục pháp lý thì nhà đầu tư nào cũng sẽ thích hơn. Đó là lý do khiến nhà đầu tư ngoại lựa chọn như vậy, bởi họ muốn tránh các tránh rủi ro thời gian, chi phí ở giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng hay là việc xin phê duyệt của chính quyền địa phương do nhà đầu tư trong nước am hiểu vấn đề này hơn”, bà Lan bày tỏ.
Hoạt động bình thường theo cơ chế thị trường?
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng cục Điện lực và năng lượng tái tạo (bộ Công Thương) cho biết, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án năng lượng tái tạo như dự án điện mặt trời hay điện gió là điều bình thường theo cơ chế thị trường.
Theo ông Dũng, luật Đầu tư hiện cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án thuộc ngành nghề có điều kiện. Tuỳ quy mô dự án, Sở hoặc bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ thụ lý việc giải quyết chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông.
Ở các dự án năng lượng (than, khí) theo hình thức BOT, thường hồ sơ đầu tư yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án, nhưng với các dự án năng lượng tái tạo thì hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. Theo ông Dũng đánh giá thì đây chính là điểm thu hút đầu tư vào ngành điện.
Ngoài ra, ông Dũng cũng đánh giá các nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội.