Ôm “mắt ngủ” để thành… “mất trắng”
Hồng Văn
(KTSG Online) - Nếu như ở tỉnh Phú Thọ, một người mua nhánh lan đột biến dài chỉ như ngón tay út của người lớn giá nửa tỉ đồng đã làm rúng động thị trường hoa lan cây kiểng thì đầu tháng này, một mắt ngủ của nhành lan dài bằng hai đốt ngón tay được một chủ vườn lan ở Gia Lai đấu giá bán tới 17,6 tỉ đồng.
Mỗi thân lan thường có nhiều đốt. Mỗi đốt chứa các mắt lan. Khi chưa đến mùa hoa, những mắt như vậy được gọi là “mắt ngủ” và người mua sẽ có thể “mất trắng” nếu mắt ngủ… chết khô.
Người mua là một phụ nữ ở tỉnh Quảng Ninh, tham gia đấu giá qua mạng xã hội. Kết thúc cuộc đấu giá, trả lời một số tờ báo, người phụ nữ này kể rằng nhiều giao dịch lan đột biến còn có giá “khủng” hơn, chẳng hạn một cành lan dài 15 cm giá 300 tỉ đồng.
Cơn sốt mua bán lan đột biến rầm rộ từ năm ngoái, ban đầu chỉ từ những người yêu hoa lan cây cảnh, những người lắm tiền thích sở hữu một thứ còn ít, hiếm. Nhưng dần dà nó lan rộng khắp các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung, rồi trở thành một loại hình đầu tư đầy rủi ro, đến mức cơ quan chức năng phải vào cuộc vì có nhiều yếu tố lừa đảo.
Công an Phú Thọ mới đây đã nhận trình báo của một người dân mua cây lan có thân dài 8 cm với giá hơn 550 triệu đồng và sau đó phát hiện bị lừa đảo, bởi nó không phải đột biến như thỏa thuận của người bán. Nhưng đây không chỉ lần đầu, bởi công an tỉnh này đã nhận đơn trình báo của sáu trường hợp tố cáo người bán lừa đảo lên tới hơn 6 tỉ đồng, trong đó có cây lan giá đến 2,3 tỉ đồng; thấp nhất là 230 triệu đồng.
Đã có vụ nạn nhân tố giác chủ vườn ôm hàng chục tỉ đồng mua lan đột biến bỏ trốn. Cơn sốt nguy hiểm tới mức dân nghèo nông thôn, giáo viên trường làng cũng hùn tiền mua bán lan đột biến kiếm lời, mua bán trao tay như bán hàng đa cấp, tới mức có nơi nhà trường phải cấm giáo viên hùn tiền, vay tiền mua lan đột biến. Có tỉnh, chính quyền phải ra văn bản cảnh báo người dân.
Theo một nhà khoa học về lĩnh vực hoa, cây cảnh ở Viện Nghiên cứu rau quả, cái gọi là lan đột biến lâu nay trên thị trường chỉ là một khái niệm cơ bản trong thực vật học nhưng lại được “thần thánh hóa” khiến nhiều người lầm tưởng, dẫn tới bỏ ra rất nhiều tiền đầu tư. Đặc tính của tất cả các loại thực vật là có thể xảy ra quá trình biến dị sinh học. Đây là những biến đổi mà cơ thể thực vật thu được do tác động của các yếu tố môi trường và do quá trình tái tổ hợp di truyền. Hoa lan là một loài thực vật, và do đó, sự biến dị trên loài cây này là hoàn toàn bình thường, không có gì đặc biệt và cũng không hề có quá nhiều lan đột biến.
Bản chất sâu xa của cơn sốt lan đột biến làm giàu cho không ít người và cũng làm tán gia bạn sản lắm người khác chính là lòng tham. Từ lòng tham, cách mua bán lan đột biến bắt đầu bén rễ và xoay vòng tương tự như cách bán hàng đa cấp với sự trợ giúp lan tỏa nhanh của mạng xã hội, đã thôi thúc không ít người lao vào mua với hy vọng bán lại một nhành hoa lan mà kiếm hàng chục triệu đồng. Và rồi người mua cuối cùng ôm cục nợ với những cành lan rất chi bình thường.
Cho tới nay, các cơ quan khoa học đã nhiều lần lên tiếng khẳng định lan đột biến chẳng có gì đáng để thần thánh hóa, chỉ có cành hoa lan hơi lạ hơn bình thường một chút – nếu đột biến thật – nhưng cái lạ ấy thì tùy người chơi cảm nhận đẹp xấu, độc đáo đến mức nào. Từ chỗ lan đột biến, dần dà lan thường cũng ăn theo, được người bán “tung hô” thành lan đột biến qua mạng xã hội, qua rỉ tai nhau, livestream… và cứ thế chuỗi mua bán lan đột biến thật thì quá ít mà giả đột biến thì quá nhiều, mua bán ảo nâng giá tạo sóng thì hàng ngày.
Hệ lụy là nhiều người tán gia bại sản, mang đơn thưa tới chính quyền, còn chủ vườn lan ôm hàng chục tỉ đồng bỏ trốn.
Giờ đây, những nhóm kín nhưng có tới hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn thành viên trên mạng xã hội trao đổi mua bán lan đột biến đã làm người chơi lan, yêu lan không biết đâu là lan đột biến thật, đâu là giả, mua bán nào là thật hay chỉ chiêu trò đẩy giá.
Xem thêm: lmth.gnart-tam-hnaht-ed-ugn-tam-mo/644613/nv.semitnogiaseht.www