Người dân cầu nguyện cho nạn nhân vụ xả súng hàng loạt tại các cơ sở làm đẹp ở Atlanta tháng 3-2021. Sáu trong số tám người thiệt mạng là người gốc Á - Ảnh: New York Times
Đây thật là một thời điểm thích hợp khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật chống thù hận người gốc Á hôm 18-5. Bản thân tôi, một người gốc Á sống ở Mỹ từ nhỏ, xem bộ luật này như một cột mốc mới cho người gốc Á trong việc đấu tranh giành quyền lợi của bản thân.
Người gốc Á được quan tâm hơn
Trong một năm gần đây, người gốc Á tại Mỹ trở thành tâm điểm của sự kỳ thị. Điều này bắt nguồn từ việc cựu tổng thống Donald Trump thường xuyên dùng những từ ngữ như "kungflu" và "Chinavirus" khi đề cập đến COVID-19. Ông luôn đem hình ảnh của Trung Quốc và COVID-19 để thúc đẩy những hoạt động chính trị và tranh cử của ông.
Điều này gây ảnh hưởng xấu đến người gốc Á tại Mỹ, vì đối với những phần tử cực đoan và có xu hướng kỳ thị thì người châu Á nào cũng giống nhau, và đều là người Trung Quốc.
Bản thân tôi và những người bạn trong cộng đồng người gốc Á từng là tâm điểm của những ánh mắt không mấy thiện cảm trong năm qua. Trong những trường hợp xấu hơn, có người còn bị rủa như một mầm bệnh, bị nói là "sao không về Trung Quốc đi". Tệ hơn nữa là các trường hợp xả súng hàng loạt, những vụ tấn công, cướp bóc nhằm vào người gốc Á.
Cho nên việc đẩy mạnh những chính sách, hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi và đảm bảo sự an toàn của người châu Á là một việc nên làm.
Việc đạo luật chống thù hận người gốc Á được thông qua với tỉ lệ áp đảo ở lưỡng viện Mỹ (94/1 ở thượng viện và 364/62 ở hạ viện) cho thấy Quốc hội Mỹ đang dần quan tâm hơn đối với quyền lợi người gốc Á tại Mỹ.
Dân số người Mỹ gốc Á vẫn tăng mạnh ở Mỹ, trong lần bầu cử vừa rồi người gốc Á thiên về Đảng Dân chủ nhiều hơn. Việc nhiều đại biểu trong Đảng Cộng hòa thay đổi ý kiến để ủng hộ những chính sách bảo vệ người gốc Á cho thấy họ đang muốn lấy lại niềm tin từ cộng đồng người gốc Á. Tuy vậy, điều cần chú ý lần này là tất cả những phiếu chống vẫn đều từ Đảng Cộng hòa.
Mang tính biểu tượng
Theo kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân tôi, việc thông qua bộ luật này mang tính chất biểu tượng hơn là thiết thực. Việc đầu tiên bộ luật đề cập đến là lập nên một vị trí trong Bộ Tư pháp Mỹ nhằm thúc đẩy điều tra những vụ tấn công người gốc Á. Ngoài ra bộ luật sẽ hỗ trợ các tiểu bang trong việc kiểm soát những vụ án và vấn đề liên quan đến việc kỳ thị người gốc Á.
Thực chất Bộ Tư pháp Mỹ vốn được người trong ngành xem như "một con rùa chậm chạp" của bộ máy nhà nước Mỹ. Việc các vụ án kéo dài hơn chục năm vẫn chưa được kết án là chuyện xảy ra như cơm bữa.
Chỉ có những vụ án gây chú ý và có ảnh hưởng mạnh đến chính trị Mỹ mới được điều tra thật nhanh. Cho nên việc lập ra một vị trí trong một bộ máy thật lớn như Bộ Tư pháp vốn không đủ để gây ảnh hưởng đáng kể.
Có lẽ điều tích cực nhất của bộ luật là gây sự chú ý đến quyền lợi người gốc Á tại Mỹ. Ngoài ra, việc chính phủ liên bang giúp đỡ các tiểu bang trong việc bảo vệ cộng đồng gốc Á là một khởi đầu tích cực. Tôi vẫn thường quan niệm "If not now, then when?" (nếu không là bây giờ thì bao giờ?).
Tuy nhiên, dù có ban hành bao nhiêu bộ luật hay chính sách thì người gốc Á vẫn phải tự giúp bản thân mình trước. Văn hóa kiện tụng vẫn chưa phổ biến trong cộng đồng người gốc Á. Hình ảnh một người châu Á an phận, biết nghe lời vốn đã đi sâu vào văn hóa và suy nghĩ của người Mỹ.
Cho nên việc cộng đồng người gốc Á tham gia vào chính trường Mỹ để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng là một xu hướng cần được đẩy mạnh. Chúng ta cần nhiều hơn những chính trị gia gốc Á như dân biểu Grace Meng của Đảng Dân chủ và cô gái gốc Việt Bee Nguyễn mới đây được bầu vào cơ quan lập pháp của bang Georgia.
Đạo luật còn nhiều bất cập
Theo báo Guardian (Anh), có hơn 100 nhóm đã ký vào tuyên bố chung phản đối đạo luật chống thù hận người gốc Á vì phụ thuộc quá nhiều vào vai trò thực thi pháp luật, trong khi không cung cấp nguồn lực để giải quyết các vấn đề cơ bản dẫn đến việc gia tăng tội phạm thù ghét.
Theo Jason Wu - người đứng đầu GAPIMNY (tổ chức ủng hộ người đồng tính và chuyển giới gốc châu Á - Thái Bình Dương), sự bất bình đẳng trong phân phối của cải, nguồn lực, chăm sóc sức khỏe, nhà ở và dịch vụ xã hội... chính là nguyên nhân gốc rễ của bạo lực.
Theo Đài NBC, các tổ chức cũng chỉ ra rằng rất nhiều vụ bạo lực xảy ra dưới bàn tay của cơ quan thực thi pháp luật. Một nghiên cứu công bố trên kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS) cho thấy bạo lực từ cảnh sát là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho nam thanh niên ở Mỹ. Cụ thể, cứ 1.000 người đàn ông da màu thì có 1 người có thể bị cảnh sát giết chết.
Theo các tổ chức này, thay vì ban hành luật phòng chống tội phạm thù ghét, các tổ chức ủng hộ cách tiếp cận theo hướng tập trung vào cộng đồng như đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, xây dựng ngân hàng thực phẩm và nhiều phúc lợi khác để giải quyết sự bất bình đẳng trong xã hội.
MINH KHÔI
TTO - Các nhà lập pháp Mỹ ngày 18-5 thông qua đạo luật chống tội ác thù ghét nhằm vào người gốc Á. Dự luật đã đến bàn của Tổng thống Joe Biden.