Các tàu đánh cá cạnh các tảng băng ở gần Ilulissat, Greenland, vào năm 2017 - Ảnh: Reuters
Trong buổi họp báo sau cuộc họp, bà Frederiksen cho biết đôi bên đã thảo luận về vấn đề Greenland và Bắc Cực, đồng thời tiết lộ thêm: "Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng Khối thịnh vượng chung, Mỹ và NATO đóng vai trò quan trọng ở Bắc Cực".
Tranh giành lãnh thổ
Thoạt nghe, nhiều người tưởng rằng bà Frederiksen... nói nhầm, vì theo nguyên tắc, NATO không có nhiệm vụ gì ở Bắc Cực. Tuy nhiên, ngay sau đó Ngoại trưởng Blinken đã đề cập đến chính sách an ninh của khu vực Bắc Cực và cho biết ông mong muốn vấn đề này được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) tại Brussels (Bỉ) ngày 14-6 tới.
Do vậy, giới quan sát của Đan Mạch đoán rằng chiến lược tương lai của NATO - được gọi là "Kế hoạch 2030" - sẽ được điều chỉnh để NATO có một nhiệm vụ thực sự ở Bắc Cực. Điều này có thể làm đảo lộn cán cân quyền lực và khiến tình hình Bắc Cực trở nên căng thẳng hơn, bởi Nga khó có thể đồng ý để NATO đóng vai trò lớn hơn trong khu vực.
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố trong buổi họp báo tại Matxcơva, trước khi lên đường tới Reykjavik, rằng "Bắc Cực là lãnh thổ của Nga" và là "đất nước của chúng ta".
Hội đồng Bắc Cực với các thành viên chính thức là Iceland, Nga, Mỹ, Đan Mạch, Canada, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan luôn cố gắng giữ cho khu vực này không xảy ra những đối đầu quân sự, nhưng lời khẳng định của ông Lavrov khiến dư luận lo ngại.
Tháng 3 năm nay, Nga đã chính thức nộp hồ sơ lên Ủy ban Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc, mở rộng yêu sách chủ quyền của họ đối với đáy biển Bắc Băng Dương. Theo yêu sách mới này, "chủ quyền của Nga" sẽ tăng thêm khoảng 705.000km2, bao trùm khoảng 70% đáy biển. Tuyên bố của Nga đã gây căng thẳng với Đan Mạch/Greenland và Canada, hai quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền chồng lấn với đáy biển Bắc Băng Dương.
Từ mùa thu 2020, tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân 50 Let Pobedy và tàu nghiên cứu băng tăng cường Akademik Fedorov của Nga đã hoạt động gần vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Greenland với lý do để thu thập dữ liệu.
Năm quốc gia ven biển Bắc Cực, bao gồm: Đan Mạch/Greenland, Canada, Na Uy, Nga và Mỹ, từ lâu đã thừa nhận rằng nguy cơ tranh chấp biên giới đang gia tăng cùng với sự tan chảy của băng biển.
Nếu xác nhận quyền sở hữu thành công, một quốc gia sẽ có độc quyền đối với tất cả các nguyên liệu thô tiềm năng - dầu, khí đốt, khoáng chất, cua (không bao gồm cá), enzym... dưới biển và một số quyền nhất định để điều tiết giao thông trên mặt biển.
Greenland giữa các siêu cường
Sau khi kết thúc cuộc họp với Hội đồng Bắc Cực, Ngoại trưởng Blinken sẽ đến Nuuk thăm Tổng lãnh sự quán Mỹ tại đây và gặp gỡ ông Mute Egede - người đứng đầu chính quyền tự trị của Greenland.
Khi tới Copenhagen để dự buổi họp chung với Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về thương mại song phương, ông Pele Broberg - người phụ trách vấn đề ngoại giao trong chính quyền Greenland - đã tuyên bố với một số phương tiện truyền thông rằng người ta phải quen với thực tế là Greenland trong tương lai sẽ nói chuyện với tư cách "một quốc gia độc lập". Cho đến nay, Đan Mạch vẫn phụ trách các hoạt động đối ngoại và chính sách an ninh của Greenland.
Khi ra tranh cử vào tháng 4 vừa qua, đảng IA của Mute Egede chủ trương không khai thác uranium trên đảo và ủng hộ chuyện Greenland hoàn toàn tự trị.
Được tự trị là mơ ước của đa số người Greenland. Điều đáng nói là nếu tách khỏi Đan Mạch thì Greenland mất đi sự hỗ trợ tài chính 3,2 tỉ kroner mỗi năm (hơn 525 triệu USD). Như vậy, trong tình hình nghề đánh bắt cá và công nghiệp khai thác da hải cẩu suy thoái, Greenland tất nhiên sẽ phải dựa vào việc khai thác tài nguyên khoáng sản và đất hiếm.
Hiện Greenland Minerals - mà Trung Quốc giữ đa số cổ phần và đã hoạt động tại Greenland từ 2007 - đang tích cực vận động để có thể tiếp tục triển khai dự án khai thác đất hiếm và uranium tại mỏ Kvanefjeldet.
Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất vào Greenland, tất nhiên ủng hộ chuyện Greenland độc lập hoàn toàn vì như thế sẽ không bị cản trở bởi Đan Mạch - vốn có lập trường cứng rắn với chuyện khai thác uranium.
Vấn đề hiện nay là đảng IA có thay đổi lập trường về uranium hay không và một quốc gia với vỏn vẹn 55.000 dân sẽ làm sao giữ được sự độc lập của mình khi bao quanh là các siêu cường Mỹ, Nga và Trung Quốc?
Hội đồng Bắc Cực họp
Hội nghị cấp bộ trưởng các nước thành viên của Hội đồng Bắc Cực lần thứ 12 diễn ra từ ngày 18 đến 20-5 ở thủ đô Reykjavik của Iceland. Trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cáo buộc Nga có "những yêu sách hàng hải phi pháp", đồng thời nhắc lại lời kêu gọi tránh quân sự hóa khu vực này.
Theo Hãng tin Reuters, trước đây Mỹ cáo buộc Nga yêu cầu các tàu nước ngoài phải xin phép để đi qua khu vực Bắc Cực, ra lệnh cho các hoa tiêu hàng hải của Nga lên các tàu này, đồng thời đe dọa dùng vũ lực với các tàu không tuân theo yêu cầu.
BẢO ANH
TTO - Đại sứ của Nga tại Hội đồng Bắc cực, ông Nikolai Korchunov, ngày 26-3 đã kêu gọi phát triển và sử dụng Tuyến đường biển phương bắc thay thế kênh đào Suez, cho rằng tuyến hàng hải này tiết kiệm thời gian, chi phí và bảo vệ môi trường hơn.
Xem thêm: mth.98242657002501202-cuc-cab-ned-otan-iom-hcam-nad/nv.ertiout