Hàng loạt xe buýt trợ giá của nhà xe Quảng An 1, Đà Nẵng, phải nằm bãi do TP tạm dừng hoạt động vận tải - Ảnh: TẤN LỰC
Những lao động mất việc trong lĩnh vực vận tải lúc này đã thấm mệt bởi khó khăn do dịch gây ra.
Xe nằm la liệt tại bến, bãi
Tại bãi đỗ xe buýt dưới chân cầu Thuận Phước, quận Hải Châu, hàng chục xe buýt nội thành của nhà xe Quảng An 1 nằm im lìm dưới cái nắng tháng 5.
Từ khi Sở GTVT có công văn tạm dừng hoạt động vận tải hành khách, những chiếc xe buýt nội thành và buýt liên tỉnh Đà Nẵng - Tam Kỳ, Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế cũng dừng hoạt động.
Trong khi đó, tại không gian phía trước Trung tâm hội chợ triển lãm TP, hàng trăm xe taxi của các hãng Mai Linh, Tiên Sa cũng tranh thủ kéo về đậu chen chúc do không được phép hoạt động.
Hàng trăm xe taxi của hãng Tiên Sa đậu tại Trung tâm hội chợ triển lãm TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Lợi - tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng - cho hay do ảnh hưởng dịch COVID-19, các tuyến vận tải xe khách đến hàng loạt tỉnh thành có dịch phải tạm dừng. Đồng thời, đối với những tuyến còn hoạt động, lượng khách phục vụ cũng không còn bao nhiêu.
Đa số xe các doanh nghiệp nằm bãi trong bến hoặc đậu đỗ tại nhà, khu vực trống xung quanh. Bến xe cũng phải cắt giảm 70% nhân sự vì tình hình hoạt động giảm sút. Trung tâm điều độ hoạt động bến xe cho biết thường ngày có khoảng 500 lượt xe ra vào bến mỗi ngày nhưng nay chỉ còn chừng 20 lượt xe.
Nhà chờ ra xe tại bến xe trung tâm Đà Nẵng trưa 20-5 không một bóng khách - Ảnh: TẤN LỰC
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trưa 20-5, khu vực bán vé với hàng chục kiôt của các nhà xe tại bến im lìm không một bóng khách, hầu hết các nhà xe đã rút nhân viên về.
Nhân viên bán vé nhà xe H.V có tuyến chạy khắp Nam Bắc và Tây Nguyên cho hay những ngày qua hầu như không bán được vé nào nhưng vẫn phải ngồi trực bán vé vì công ty yêu cầu. Tại hai dãy nhà chờ ra xe cũng không một bóng khách.
Anh Trần Tiến Công, lái xe tuyến Đà Nẵng - Kon Tum, cho hay nhà xe có 3 chiếc khai thác tuyến này nhưng nay chỉ chạy 1 chiếc, chủ yếu là chở thêm hàng để vớt vát chút tiền xăng dầu vì không có khách.
"Người dân ngại dịch bệnh nên hạn chế đi lại, những ngày nay xe hầu như chạy không, chỉ chở được ít hàng ký gửi, trái cây cho khách quen để cầm cự" - anh Công nói.
Dãy xe đường dài nằm bến chờ khách tại bến xe trung tâm Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Mất thu nhập, nguy cơ mất cả xe
Cánh xe hợp đồng, xe dịch vụ cũng rơi vào cảnh khó khăn tương tự vì lệnh tạm dừng hoạt động vận tải. Anh Trần Văn Trung (28 tuổi), quê Quảng Nam, lái xe Grab, nói đang tính về quê một thời gian nghỉ dịch vì thất nghiệp. Trước đó, vợ anh làm trong ngành du lịch cũng đã thất nghiệp một thời gian dài, chi tiêu trong nhà trông chờ vào công việc lái xe của anh.
"Từ khi có lệnh cấm chạy là ứng dụng Grab dừng hoạt động luôn. Mấy bữa nay vài khách quen gọi tôi đưa đón nhưng phải từ chối hết vì chấp hành chống dịch. Mong rằng dịch bệnh sớm được kiểm soát để cuộc sống trở lại bình thường chứ cứ đà này chẳng mấy mà mất hết khách" - anh Trung than thở.
Tương tự, anh K., trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, lái xe một công ty du lịch, cho hay mất việc từ tháng 2-2020 do đợt dịch đầu tiên đến nay. Thời gian dài ở nhà không có thu nhập, anh gom tiền tích cóp và vay mượn mua một chiếc ôtô 600 triệu đồng chạy dịch vụ. Tuy nhiên tiền nợ chưa trả hết thì dịch tiếp tục quay lại khiến thu nhập giảm sút, nguy cơ ngân hàng thanh lý xe.
"Đợt vừa rồi không có nhiều khách nhưng chạy tà tà ngày vài ba cuốc xe cũng đủ tiền cơm nước qua ngày, trả chút lãi vay. Nhưng nay xe cộ cấm tiệt, muốn chạy lắm mà không dám ra đường. Kiểu này chắc phải bán xe trả nợ quá!" - anh K. than thở
Theo Sở GTVT, những xe bị ảnh hưởng đợt dịch này là xe dịch vụ dưới 9 chỗ ngồi và xe buýt nội thành, xe khách có tuyến đến các tỉnh đang có dịch.
Trong đó, taxi là 1.576 xe, buýt trợ giá là 151 xe và 2.000 xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi. Ngoài ra, hàng ngàn đầu xe du lịch của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng đã dừng hoạt động từ các đợt dịch trước đó.
TTO - Ngày 18-5, nhiều quận huyện ở Đà Nẵng đã đồng loạt triển khai thực hiện xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình, là người chưa được xét nghiệm tại các khu dân cư, có nguy cơ lây nhiễm cao nhất trong hộ, trên 18 tuổi.
Xem thêm: mth.37111740102501202-peihgn-taht-gnan-ad-iat-nav-gnod-oal-hcid-iv-iab-man-ueihc-pad-ex/nv.ertiout