Tháng 3 vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, một lần nữa, hàng loạt điểm bán "giải cứu" rau, củ, quả từ Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc xuất hiện. Việc tiêu thụ nông sản vốn gặp nhiều bấp bênh, lại càng cần giải pháp đầu ra bền vững hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Người nông dân cần giải pháp để nông sản đến tay người tiêu dùng mà không cần qua kênh "giải cứu".
Kích hoạt giải pháp cho nông sản Việt
Ngày 14/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến bàn về các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ thuận lợi nông sản Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm trì trệ hoạt động giao thương, đặc biệt khi ngành nông nghiệp chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch của một số loại nông sản chính ở khu vực miền Bắc và Nam Trung bộ.
Trong hàng loạt các giải pháp tiêu thụ nông sản Việt trước tình hình mới, đưa lên sàn thương mại điện tử các loại nông sản tươi, đặc sản vùng miền đến mùa thu hoạch như vải, xoài, nhãn… được các cơ quan chức năng đánh giá là giải pháp đầu ra bền vững. Cách làm này không chỉ giúp nông sản Việt nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường, đến tay người tiêu dùng, mà còn góp phần giúp nông dân Việt Nam không cần phải được "giải cứu nông sản", vốn chỉ là giải pháp tình thế nhưng thường xuyên lặp lại trong nhiều năm qua.
Thực tế từ đầu năm đến nay, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt kết quả tốt về sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu đạt khá, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Số liệu thống kê cho thấy trong bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 23,3% thị phần và tăng trưởng 35,8% so với năm 2020.
Tuy nhiên để nông sản Việt lưu thông thuận lợi hơn, hiện còn nhiều vướng mắc cần sớm được giải quyết. Trong đó, nhu cầu bức thiết là cần có cơ chế vận hành, kết nối chặt chẽ hơn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, bên cạnh các khó khăn về thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, khâu điều tiết và phân luồng nông sản ở các cửa khẩu, đặc biệt ở các tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai.
Đồng thời, gián đoạn thương mại cũng tạo áp lực lớn về thuế và phí, khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu khiến chi phí lưu kho tăng cao. Trong khi đó, hệ thống logistics và kho lạnh cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu về khối lượng của các địa phương, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Lazada tham gia cuộc chơi chỉ dành cho "ông lớn"
Cũng chính trong ngày hội nghị trên diễn ra, Lazada, một trong những sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, mở bán sản phẩm vải thiều Thanh Hà u trứng trắng (Hải Dương) – vốn chỉ được xuất khẩu ra các thị trường quốc tế.
Đại diện sàn này cho biết chỉ trong 4 giờ đầu tiên mở bán, Lazada đã tiêu thụ được gần nửa tấn vải. Trong vòng 5 ngày, từ 14/5 đến 18/5, sàn Lazada đã cung cấp ra thị trường gần 2 tấn vải. Tất cả đều được giao hàng hỏa tốc trong vòng 4 giờ. Đến nay, thời gian giao hàng nhanh nhất cho một đơn hàng là 53 phút.
Ông James Dong - CEO Lazada Việt Nam trong buổi ký kết thỏa thuận hợp tác trong "Chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên Sàn Thương mại điện tử", hỗ trợ vải thiều và sản phẩm nông sản Hải Dương lên sàn.
Đặc thù thời gian giao hàng cần phải rất ngắn chính là thử thách lớn khiến việc đưa nông sản tươi lên sàn dù là "đại dương xanh" nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều bên tham gia. Theo nhìn nhận của giới phân tích, nông sản, thực phẩm tươi sống là "phạm trù cao nhất" của thương mại điện tử vì có nhiều yêu cầu khắt khe đặc thù, không những đòi hỏi năng lực kinh doanh cốt lõi của sàn mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên liên quan.
Tham gia giải bài toán khó này, Lazada chủ yếu dựa vào năng lực sẵn có từ chuỗi cung ứng và hệ thống cơ sở hạ tầng logistics vững chắc hàng đầu trong thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, giúp đảm bảo thời gian giao hàng trong vòng 4 giờ.
Có thể thấy, khả năng kết nối các bên liên quan, tạo nên mạng lưới, chuỗi cung ứng nhịp nhàng, chuyên nghiệp là yếu tố quyết định sự thành công khi đưa nông sản tươi lên sàn. Bước đi này bước đầu cũng cho thấy những lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang đến cho kinh tế Việt Nam, theo Lazada.
Đưa nông sản tươi lên sàn, Lazada tham gia giải bài toán khó bằng năng lực kinh doanh cốt lõi và hệ thống cơ sở hạ tầng logistics vững chắc
Một doanh nhân có hơn hai năm kinh nghiệm trong lĩnh vực startup mảng agritech (công nghệ nông nghiệp), tiên phong vận hành sàn thương mại điện tử nông sản an toàn nhìn nhận việc ngày càng nhiều sàn thương mại điện tử thử sức với nông sản tươi là tín hiệu tốt vì giúp nông sản có thêm kênh đầu ra hữu hiệu và ít tốn chi phí để đưa nông sản trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Năm ngoái, công ty của doanh nhân này cũng là một trong những đối tác đầu tiên được sàn Lazada chọn hợp tác khi bước đầu thử nghiệm ra mắt mảng nông sản, thực phẩm tươi giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh.
Đại diện Lazada chia sẻ, đưa nông sản lên sàn cũng là xu hướng diễn ra không chỉ Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới. Thử thách quan trọng cần giải quyết là kiểm soát chất lượng từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng. Trong cuộc chơi này, ai kiểm soát được chất lượng sẽ có cơ hội lớn.
Thương mại điện tử Việt Nam dù bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh nhưng sẽ phục hồi nhanh chóng và tiếp tục tăng trưởng mạnh, theo báo cáo Việt Nam: Thương mại điện tử tăng tốc sau đại dịch Covid-19 của hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM). Dưới tác động của dịch bệnh, thương mại điện tử trở nên phổ cập hơn, gia tăng xu hướng mua sắm trực tuyến, ngay cả những người cao tuổi và những người chưa bao giờ mua sắm trực tuyến. Các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử cũng nắm bắt kịp thời với những ngành hàng, khách hàng mới, mở ra nhiều thị trường tiềm năng mới.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.1754149102501202-gnuv-neb-ar-uad-mit-nas-nel-teiv-nas-gnon-04-et-hnik-ioht/nv.zibefac