Ngày 20-5, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Lav Agarwal kêu gọi chính quyền các bang tuyên bố “nấm đen” là “bệnh dịch đáng chú ý” thể theo Luật Bệnh dịch, theo đó các bang phải xác định và truy tìm từng ca bệnh, báo Times of India đưa tin.
Bộ Y tế cũng yêu cầu giám sát chặt hơn thực tế bệnh “nấm đen” ảnh hưởng các bệnh nhân COVID-19. Bang Maharashtra (Mumbai là thủ phủ) – một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nhất trong làn sóng dịch thứ hai – ghi nhận tới hơn 2.000 ca bệnh “nấm đen”.
Thủ đô New Delhi sẽ lập một số lượng phòng bệnh đặc biệt để đối phó bệnh “nấm đen”. Các bang Rajasthan và Telangana đã tuyên bố “nấm đen” là nạn dịch.
Bác sĩ kiểm tra một bệnh nhân đã hồi phục COVID-19 nhưng lại bị nhiễm bệnh “nấm đen”, tại một bệnh viện công ở TP Hyderabad, bang Telangana (Ấn Độ). Ảnh: DW
Triệu chứng của bệnh “nấm đen” là gì? Khu vực da quanh mũi sẽ đen hay đổi màu. Người bệnh bị giảm tầm nhìn, đau ngực, khó thở, ho ra máu. Bệnh nấm đen đã giết chết hơn 50% bênh nhân nhiễm chúng chỉ trong vài ngày.
Ai có rủi ro bị bệnh “nấm đen” cao nhất? Trong thư gửi đến các chính quyền bang, Bộ trưởng Agarwal cho rằng bệnh “nấm đen” là mối nguy với các bệnh nhân COVID-19 điều trị bằng liệu pháp steroid (hormone tổng hợp) và những người có bệnh nền tiểu đường.
Một số bác sĩ cho rằng chính tình trạng dùng bữa bãi steroid để trị các ca COVID-19 nặng đã dẫn đến sự bùng nổ bệnh nấm đen. Cụ thể, steroid có thể làm suy giảm miễn dịch và tăng đường huyết, từ đó tạo điều kiện cho “nấm đen” lây nhiễm.
Về COVID-19, theo số liệu Bộ Y tế Ấn Độ thì thời điểm này số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm chừng 30% so với mức cao điểm 400.000 ca/ngày đầu tháng 5, tuy nhiên số người chết mỗi ngày vẫn ở mức cao gần 4.000 người/ngày.
Tính đến sáng 21-5 nước này đã ghi nhận gần 25,8 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 287.000 người chết, hơn 22,3 triệu người đã hồi phục, và vẫn còn hơn 3,1 triệu người đang phải điều trị trong đó gần 9.000 người đang nguy kịch.