Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng tổng giá trị xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản của Việt Nam của riêng 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỉ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đáng nói là XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Châu Mỹ tăng 56,7%, XK sang Châu Đại Dương tăng 29,2%, XK sang Châu Á ước tăng 18,2%, Châu Phi tăng 11,8%...
Những lô hàng XK lạc quan trong khó khăn dịch bệnh
Mặc dù đang bị dịch bệnh COVID-19 “hoành hành”, nhưng tỉnh Bắc Giang đang XK những lô vải chín sớm với mức giá rất tốt. Mặc dù còn hơn 1 tuần nữa mới đến chính vụ thu hoạch vải, nhưng từ ngày 19.5, cả 2 huyện Tân Yên và Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thu hoạch được 200 tấn vải thiều.
“Những lô vải chín sớm đầu tiên đã được thông quan qua cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn để XK sang Trung Quốc" - ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang chia sẻ.
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, những trái vải u hồng chín sớm đã được các thương nhân gom mua với giá khá tốt (40.000 - 45.000 đồng/kg) để XK sang Trung Quốc và bán tại các thành phố lớn trong nước.
Đến ngày 20.5, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đã thu hoạch, tiêu thụ được hơn 150 tấn vải chín sớm. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng việc tiêu thụ vải tươi đang diễn ra thuận lợi, giá ổn định.
Trước đó 1 ngày, tỉnh Hải Dương đã long trọng XK những lô vải chín sớm đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, dưới sự giám sát về kỹ thuật và an toàn dịch bệnh của các chuyên gia kiểm dịch thực vật, y tế.
Với 4 hệ thống phun khử trùng trong số 5 hệ thống phun khử trùng trên toàn quốc, dự kiến vụ này tỉnh Hải Dương đủ năng lực xử lý quả vải theo tiêu chuẩn để XK gần 1.000 tấn quả vải tươi sang Nhật Bản.
Theo Bộ Công Thương, sau một thời gian đàm phán, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã làm việc với các nhà nhập khẩu quả vải và thống nhất thực hiện kế hoạch nhập khoảng 100 tấn vải thiều từ Việt Nam sang thị trường này trong mùa vải thiều 2021.
Dự kiến, vải thiều Việt Nam sẽ được đưa vào bán trong siêu thị tại các bang Nam Úc và Tây Úc. Đối với các bang còn lại, Thương vụ đang tiếp tục kết nối giao thương, căn cứ vào tình hình vận chuyển.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị XK nông sản đạt trên 17 tỉ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá trị XK rau quả tháng 4.2021 ước đạt 380 triệu USD, đưa giá trị XK rau quả 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,35 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam.
XK gạo trong 4 tháng năm 2021 cũng đạt giá trị cao do giá gạo XK của Việt Nam đang ở mức khả quan. Theo các thương nhân ngành lúa gạo, từ đầu năm tới nay giá gạo Việt luôn ở mức cao hơn so với Thái Lan khoảng 20USD/tấn (những năm trước gạo Thái có giá trị cao hơn Việt Nam).
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An Cần Thơ) - chia sẻ: Trung An Cần Thơ đã hai lần trúng thầu XK gạo sang Hàn Quốc, dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. “Ngày 14.5, Hàn Quốc mở thầu nhập khẩu 3 lô gạo với tổng khối lượng 23.222 tấn, Trung An đã trúng 2 lô với tổng khối lượng 22.222 tấn.
Ngày 17.5.2021, phía Hàn Quốc đã thông báo cho Trung An về việc doanh nghiệp này trúng thầu XK gạo sang quốc gia này. Còn 1 lô 1.000 tấn đang được kiểm mẫu, nếu mẫu đạt thì Trung An trúng nốt và khả năng Trung An trúng thầu luôn lô này là rất cao” - ông Phạm Thái Bình phấn khởi thông tin.
Theo ông Phạm Thái Bình, giá gạo XK của Trung An ở mức rất lạc quan. Trong 2 lô gạo lứt hạt dài của Trung An XK sang Hàn Quốc, 1 lô có khối lượng 11.111 tấn với giá 572USD/tấn và lô còn lại có khối lượng 11.111 tấn có giá 578,5USD/tấn (giá CIF). Nếu trừ cước tàu và các loại phí thì quy ra giá FOB tại Việt Nam bình quân cho cả 2 lô là hơn 500USD/tấn.
Vượt dịch COVID-19, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh
Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng sản xuất, kinh doanh vẫn khá ổn định.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 2.484,9 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1.269,9 nghìn tấn, tăng 2,8%; sản lượng khai thác đạt 1.215,1 nghìn tấn, tăng 1,4%.
Về thương mại, dịch vụ, tính chung 4 tháng đầu năm 2021 (số liệu tháng 5 chưa thống kê - PV), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 2,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,76%).
Dịch bệnh COVID-19 vẫn hết sức phức tạp, nhưng các doanh nghiệp (DN) đã thích nghi và chủ động các biện pháp ứng phó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh không những không "đóng băng", ngược lại còn phát triển.
Trong tháng 5.2021 vừa qua, Công ty TNHH Bán lẻ FujiMart Việt Nam - đơn vị liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đã chính thức khai trương siêu thị FujiMart thứ 3 tại Hà Nội. Tập đoàn Central Retail cũng đã khai trương Trung tâm thương mại GO ! tại Thái Nguyên có tổng diện tích tới 36.000m2 và tổng mức đầu tư 540 tỉ đồng.
Công ty Gia cầm Hòa Phát đã cung cấp trứng gà sạch vào các hệ thống siêu thị của Hà Nội và các cửa hàng Foodshop, hệ thống nhà hàng, khách sạn, trường học chất lượng cao, các khu công nghiệp... Trứng gà Hòa Phát HPE và trứng gà so Hòa Phát hiện đã có mặt tại chuỗi 58 siêu thị của Tập đoàn BRG ở nội, ngoại thành Hà Nội, bao gồm Hệ thống Hapromart, Haprofood, Seikamart, Fujimart, Intimex, BRG InterShop; siêu thị UNO Mart và một số siêu thị tại Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương…
Là địa phương đang phải đương đầu với dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Sở NNPTNT Bắc Giang đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất trong tình hình dịch COVID-19 và Tổ chỉ đạo sản xuất vải thiều xuất khẩu năm 2021.
Đến thời điểm này, hàng chục nghìn tấn vải chín sớm của các huyện Tân Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang bắt đầu cho thu hoạch, địa phương đã triển khai mọi phương án tiêu thụ, đẩy mạnh bán hàng điện tử, không để nông sản ùn ứ khi chín rộ.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, XK gạo của Việt Nam sẽ đạt 6,4 triệu tấn trong năm 2021, tăng 233.000 tấn; Thái Lan đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn và Ấn Độ đạt 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí XK gạo thứ 2 thế giới, vượt lên cả Thái Lan, chỉ đứng sau Ấn Độ.
Xem thêm: odl.378119-iaogn-taux-uahn-ion-teiv-nas-gnon-hcid-touv/et-hnik/nv.gnodoal