TPHCM dự tính ngừng trợ giá, đấu thầu các tuyến xe buýt vào 2023
Lê Anh
(KTSG Online) - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM dự kiến đến năm 2023 sẽ đấu thầu tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố. Việc đấu thầu sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, giảm trợ giá từ ngân sách nhà nước.
TPHCM tiến tới đấu thầu tất cả các tuyến xe buýt để cải thiện chất lượng dịch vụ - Ảnh: Anh Quân |
Vào cuối tháng 4 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã đấu thầu thành công 4 tuyến xe buýt gồm tuyến số 1 (Bến Thành - bến xe Chợ Lớn); tuyến số 15 (bến Phú Định - bến xe buýt Đầm Sen); tuyến số 65 (bến xe buýt Sài Gòn - bến xe An Sương); tuyến số 152 (khu dân cư Trung Sơn - sân bay Tân Sơn Nhất).
Doanh nghiệp trúng thầu sẽ khai thác 4 tuyến xe buýt này trong thời hạn 5 năm với tổng giá trị gói thầu là 130 tỉ đồng. Trong số 4 tuyến thì có 3 tuyến (số 1, 65 và 152) được doanh nghiệp đầu tư sử dụng xe mới hoàn toàn. Điều này cho thấy khi doanh nghiệp trúng thầu đưa xe mới vào khai thác phần nào sẽ cải thiện chất lượng xe buýt vốn đã cũ nhiều năm nay.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, việc đấu thầu vừa tạo ra tính cạnh tranh, giúp lựa chọn được doanh nghiệp có năng lực, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, giảm số tiền ngân sách TPHCM phải bù lỗ hàng năm.
Sau khi đấu thầu thành công 4 tuyến xe buýt, trong năm 2021 sẽ tiếp tục khảo sát để đấu thầu tiếp 39 tuyến, tiến đến năm 2023 sẽ đấu thầu tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TPHCM.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, thành phố hiện có 12 đơn vị vận tải hoạt động trên 90 tuyến xe buýt có trợ giá, những năm qua, hầu hết các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố được thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. Với hình thức này, mỗi năm Nhà nước phải chi ngân sách để trợ giá cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã khai thác.
Hiện nay, TPHCM có khoảng 127 tuyến xe buýt (gồm 90 tuyến xe buýt có trợ giá và 37 tuyến xe buýt không trợ giá) với 2.261 xe. Mỗi năm thành phố trợ giá hơn 1.000 tỉ đồng cho xe buýt nhưng lượng khách đi xe lại giảm theo từng năm. Từ con số 305 triệu lượt khách vào năm 2012, đến năm 2018 chỉ còn gần 290 triệu lượt; năm 2019 giảm còn 255 triệu lượt. Đặc biệt, trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đi xe buýt giảm còn 148 triệu lượt, giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Theo kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của hành khách đi xe buýt do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thực hiện, có 5 yếu tố chính khiến hành khách đi xe buýt chưa hài lòng. Cụ thể, thái độ phục vụ của nhân viên chiếm 24,6%, chất lượng xe chưa đạt yêu cầu chiếm 14,5%, tác nghiệp của lái xe chiếm 14,4%, sự an toàn khi đi xe buýt chiếm 10,1% và tính đúng giờ chiếm 6,8%... |
Mời xem thêm:
Xem thêm: lmth.3202-oav-tyub-ex-neyut-cac-uaht-uad-aig-ort-gnugn-hnit-ud-mchpt/945613/nv.semitnogiaseht.www