Ngộ nhận các sản phẩm kem dưỡng da, kem trộn… có khả năng chống nắng, nhiều người đã không bảo vệ da, chống nắng đúng cách. Với tình trạng tia UV đạt mức cao thời gian qua, điều đó sẽ gây sạm, tàn nhang, lão hóa, thậm chí ung thư da.
Nhập nhèm quảng cáo chỉ số chống nắng
Hiện trên thị trường có không ít sản phẩm kem dưỡng da mặc dù trên bao bì không hề có các chỉ số chống nắng nhưng vẫn được quảng cáo là có khả năng chống nắng.
Tại một siêu thị trên đường 3/2 (Q.10, TPHCM), chúng tôi được nhân viên đứng quầy giới thiệu một sản phẩm kem dưỡng trắng da của thương hiệu khá nổi tiếng O.L (nhập khẩu từ Thái Lan). Theo nhân viên này, không chỉ giúp làn da sáng mịn, sản phẩm còn giúp bảo vệ da khỏi tia UV. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi chỉ số chống tia UV là bao nhiêu, người này lại không tư vấn được. Quan sát vỏ hộp sản phẩm, thông tin về chỉ số chống nắng, nhà sản xuất và nhà phân phối ghi rất chung chung là “UV” thay vì phải ghi đầy đủ (SPF…/PA…) như các sản phẩm có tính năng chống nắng.
Các dòng mỹ phẩm dưỡng da nếu có chỉ số chống nắng thường thể hiện rõ trên bao bì |
Ghé chợ Nguyễn Thái Bình (Q.1), chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), chúng tôi cũng được giới thiệu nhiều loại kem dưỡng da, trị nám có thành phần chống nắng. Như dòng sản phẩm N.P.L (sản phẩm của Việt Nam), có giá 370.000 đồng/sản phẩm, trên vỏ hộp quảng cáo “bảo vệ da hoàn hảo với các hoạt chất chống nắng” nhưng lại không ghi rõ chỉ số chống nắng. Trên mạng xã hội, dòng sản phẩm này cũng được không ít người nổi tiếng quảng cáo có chỉ số chống nắng cao, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng. Hay như trên sản phẩm xà phòng trắng da Clobetamil (được cho biết nhập từ Thái Lan) chỉ độc nhất chữ “UV”, ngoài ra không có bất kỳ thông tin nào khác nhưng người bán khẳng định chỉ số chống nắng SPF50; rằng sử dụng xà phòng này vừa trắng da, vừa tạo một lớp chống nắng cho toàn thân, tiết kiệm nhiều chi phí mua kem chống nắng.
Trong quá trình ghi nhận tại các chợ, chúng tôi thấy nhiều dòng mỹ phẩm trị nám được cho rằng xuất xứ từ Nhật Bản… không chỉ mập mờ về chỉ số chống nắng mà còn mập mờ cả thông tin nhà sản xuất lẫn nhập khẩu. Chẳng hạn tại chợ Vườn Chuối (Q.3), trên vỏ hộp kem vua nám lục giác số 1 và kem sâm Lulanjina được cho là của Nhật Bản không hề có chỉ số chống nắng nhưng nhãn phụ có dòng chữ giới thiệu “Vua khử nám siêu trắng, chống nắng - tàn nhang”, người bán khẳng định sản phẩm có chỉ số chống nắng là SPF40. Sản phẩm cũng không hề có thông tin nhà sản xuất lẫn thông tin nhà nhập khẩu, ngoài vài dòng giới thiệu công dụng bằng tiếng Việt.
Tương tự, trên nhãn phụ dòng kem sâm Guoyao, cũng được cho rằng nhập khẩu từ Nhật Bản, chỉ duy nhất dòng chữ “nhập khẩu bởi NP” và 14 dòng quảng cáo 14 công dụng của sản phẩm, trong đó có những cụm từ mà pháp luật nghiêm cấm sử dụng khi quảng cáo mỹ phẩm như “đặc trị nám lâu năm”, “trị mụn”, “săn chắc da”, “chống chảy xệ”, “chống ô-xy hóa”. Tại một số tiệm tạp hóa khác, cũng là dòng kem sâm Guoyao này, tem trên sản phẩm là hình một hngười đàn ông với dòng chữ “Mỹ phẩm Nhất Phàm” và đáy vỏ hộp cũng có in dòng chữ “Mỹ phẩm Nhất Phàm”.
Hay như dòng kem trị nám Qian li, Xinjiaoli được cho là nhập từ Đài Loan cũng quảng cáo chỉ số chống nắng SPF50 nhưng trên vỏ hộp không hề có thông tin về chỉ số này. Được biết, Xinjiaoli thực chất từng nằm trong nhóm 9 loại mỹ phẩm Trung Quốc (có 4 loại tên Jiao Li, còn lại là tên Xinjiaoli, Jiao Liang, Xinjiaoliang, Jiaomei và Jiaoyan) được cơ quan y tế Philippines liên tục đưa ra thông báo cấm do chứa hàm lượng thủy ngân vượt mức cho phép.
Chỉ số chống nắng bao nhiêu là đủ?
Theo ghi nhận của chúng tôi, trừ kem chống nắng, rất ít dòng mỹ phẩm dưỡng da có tính năng chống nắng. Nếu có, nhà sản xuất sẽ in đậm ngoài vỏ hộp và thông thường, chỉ số chống nắng ở các dòng mỹ phẩm dưỡng da chỉ dao động trong khoảng SPF14/PA+ đến SPF30/PA+++.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp - Trưởng Phòng khám da liễu, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM - cho biết SPF là chỉ số chống tia UVB, còn PA là chỉ số chống tia UVA. Với SPF30, thời gian bảo vệ da khỏi tác hại của UVB là 300 phút. Còn PA+ là khả năng chống tia UVA ở mức từ 40-50%, PA++ có khả năng chống tia UVA mức 60 - 70%, PA+++ chống tia UVA tới 90%, PA++++ chống tia UVA trên 95%.
Nhiều người cho rằng kem dưỡng đã có chỉ số SPF/PA, kem chống nắng cũng có chỉ số SPF/PA, nếu thêm lớp phấn phủ có chỉ số SPF/PA nữa sẽ gây “ngộp da”. Thế nhưng, để chống nắng đủ, tối thiểu phải từ SPF30 và PA+++, tốt nhất là SPF50-60/PA++++. Nếu kem dưỡng da có SPF30/PA+++ thì được coi như kem chống nắng. Song, để đạt được chỉ số này, phải thoa một lượng kem đủ dày. Tốt nhất vẫn nên thoa thêm kem chống nắng hoặc nếu phấn phủ có thêm chỉ số chống nắng, để tăng khả năng chống nắng.
Cần lưu ý, đối với người bị nám, tàn nhang, theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp, mỹ phẩm hoặc kem chống nắng có chỉ số UVA và UVB không đủ mà cần phải có thêm chỉ số HEV để chống tia ánh sáng năng lượng cao nhìn thấy được (ánh sáng mặt trời, ánh sáng điện thoại, máy tính, màn hình ti vi, đèn huỳnh quang…) và chỉ số IRA chống được tia hồng ngoại.
Nếu sử dụng kem dưỡng, kem chống nắng không có chỉ số HEV và IRA, da sẽ không được bảo vệ tuyệt đối. Nếu không tìm được dòng mỹ phẩm có chỉ số HEV và IRA thì nên sử dụng kem nền bởi trong thành phần của loại sản phẩm này thường có oxit kẽm - có tác dụng bảo vệ tia HEV và IRA rất tốt, sử dụng thêm lớp kem chống nắng có chỉ số SPF/PA bình thường.
“Một dòng mỹ phẩm chống nắng tốt phải có đủ 4 chỉ số là chống được tia UVA (PA), UVB (SPF), HEV và IRA hoặc tối thiểu thì phải có được hai chỉ số SPF và PA, nếu không có hai chỉ số này mà quảng cáo có khả năng chống nắng là không đúng. Nếu người tiêu dùng ngộ nhận và tin vào những quảng cáo này, không sử dụng thêm kem chống nắng đều đặn, hợp lý sẽ gây hại cho da” - phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, những loại kem được quảng cáo trắng da cấp tốc, trị nám hiệu quả rất nguy hiểm vì trong thành phần của chúng thường chứa thủy ngân. Phó giáo sư - dược sĩ Nguyễn Hữu Đức - Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết tại nước ngoài, hàm lượng thủy ngân trong mỹ phẩm đều quy định rõ, ở một số nước thì cấm hẳn. Để giảm bớt chi phí, tăng khả năng làm trắng và trị nám, một số nhà sản xuất sử dụng hàm lượng thủy ngân cao nhằm nâng tính năng sản phẩm. Thủy ngân xâm nhập vào cơ thể thông qua da và đường hô hấp, ăn vào máu gây hại đến các cơ quan bên trong cơ thể, có thể gây sẩy thai hoặc các khuyết tật thai nhi.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.3874341a-naot-na-ohc-oas-gnan-gnohc-mahp-nas-gnud/nv.moc.enilnounuhp.www