Ai vui ai buồn khi giá lương thực thế giới tăng?
Linh Trang
(KTSG) - Ngành nông nghiệp đang được hưởng lợi từ xu hướng giá lương thực thế giới tăng. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào là các sản phẩm nông nghiệp lại đang chịu ảnh hưởng khá tiêu cực.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đường ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến trong quí 1-2021. Ảnh: N.K |
Giá lương thực thế giới tăng cao
Từ đầu năm 2021 đến nay giá các loại hàng hóa nói chung trên thế giới có xu hướng tăng khá mạnh. Giá lương thực toàn cầu cũng không phải ngoại lệ, qua đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu trong tháng 3-2021 tăng 2,1% so với tháng 2, đánh dấu mức tăng hàng tháng thứ 10 liên tiếp và ở mức cao nhất kể từ tháng 6-2014. Đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Trong khi đó, nguồn cung bị gián đoạn vì dịch bệnh, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và đô la Mỹ suy yếu, là những nguyên nhân chính khiến giá lương thực tăng cao.
Đáng chú ý, xu hướng giá này dự kiến sẽ tiếp diễn trong thời gian tới do triển vọng mùa vụ năm 2021 bất lợi vì thời tiết, trong khi sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu về lương thực. Riêng với mặt hàng ngũ cốc, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc đã và đang tăng nhập khẩu lúa mì và bắp ở mức cao, ước tính lần lượt ở mức 8,5 triệu tấn và 16,5 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021, nhằm phục vụ hoạt động tái đàn sau dịch tả heo châu Phi, qua đó đẩy giá ngũ cốc tăng vọt trong tám tháng liên tiếp.
Trái ngược với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nông nghiệp, giá lương thực tăng lại là nỗi lo của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi và dầu ăn tại Việt Nam do phải nhập khẩu nguyên liệu sữa bột, ngũ cốc, dầu thực vật. |
Mặc dù cầu tăng cao, nhưng dự trữ ngũ cốc thế giới vào cuối năm 2021 được FAO dự báo sẽ giảm 1,7% so với năm ngoái, xuống mức 808 triệu tấn; tỷ lệ dự trữ chỉ ở mức 28,4%, thấp nhất trong vòng bảy năm.
Tổ chức này nâng dự báo giao dịch thương mại ngũ cốc thế giới trong niên vụ 2020-2021 lên mức 466 triệu tấn, tăng 5,8% so với niên vụ trước. Đối với mặt hàng gạo, dự báo thương mại quốc tế sẽ tăng 6%.
Doanh nghiệp nông nghiệp hưởng lợi
Hưởng lợi từ xu hướng tăng giá của các mặt hàng lương thực thế giới, giá gạo và đường tại Việt Nam trong quí đầu năm nay cũng tăng lần lượt 18,6% và 31,8%, giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất hai mặt hàng này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đột biến.
Cụ thể, kết thúc quí 1-2021, Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời (LTG) đạt doanh thu thuần hợp nhất 2.397 tỉ đồng, tăng 227% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu từ lương thực tăng 204%, đạt 605 tỉ đồng, chiếm 25% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 184 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 37 tỉ đồng.
Tại Công ty cổ phần tập đoàn PAN (PAN), quí 1 năm nay, mảng giống và nông sản ghi nhận lợi nhuận tăng 111% so với cùng kỳ. Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS), quí 1-2021 ghi nhận doanh thu từ mảng sản phẩm đường tăng 55% so với cùng kỳ, đạt 408 tỉ đồng.
Lợi nhuận gộp mảng này ghi nhận 49,5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 3 tỉ đồng. Góp phần vào kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp mía đường là quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời của Bộ Công Thương đối với đường thô và đường tinh luyện có xuất xứ từ Thái Lan.
Dù không hưởng lợi trực tiếp, nhưng các công ty phân bón cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi gián tiếp từ nhu cầu tăng cao do nông dân tăng cường sản xuất để tận dụng xu hướng giá lương thực tăng. Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) là hai cái tên đáng chú ý. Mặc dù vậy, DCM và DPM vẫn đối mặt với yếu tố bất lợi là giá khí đốt toàn cầu tăng cao làm tăng giá vốn hàng bán của mặt hàng phân bón.
Doanh nghiệp sữa, thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng
Trái ngược với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nông nghiệp, giá lương thực tăng lại là nỗi lo của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi và dầu ăn tại Việt Nam do phải nhập khẩu nguyên liệu sữa bột, ngũ cốc, dầu thực vật.
Trong quí 1 năm nay, mảng đường của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi tăng trưởng mạnh, nhưng hiệu quả hoạt động kinh doanh mảng sữa đậu nành lại sụt giảm khi giá đậu nành bình quân trong quí 1-2021 ước tính tăng trên 40% so với mức giá bình quân năm 2020. Với Vinamilk (VNM), gần 70% nguyên liệu sữa bột được nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.
Giá sữa bột tăng đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong quí 1-2021 khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 7% và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh khiến sức mua thị trường giảm sút, Vinamilk bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu thế giới năm nay tăng cao chưa từng có.
Trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu tăng cao (nguyên liệu thông thường chiếm 80-85% giá thành sản xuất) cũng đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn từ năm 2015 đến quí 3-2020, giá nguyên liệu nhìn chung ổn định nhưng bắt đầu từ tháng 10-2020 đến nay, giá đã tăng mạnh với mức tăng trung bình từ 30-35%.
Trong khi đó, về giá bán đầu ra, tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước mới tăng khoảng 10-15%. Giá thành phẩm tăng không tương xứng với giá nguyên liệu đầu vào đã khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp suy giảm.
Điển hình như Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) có biên lợi nhuận gộp giảm từ 26% xuống 25,4% trong quí 1-2021. Tương tự, Công ty cổ phần Masan MEATLife (MML) có doanh thu và lợi nhuận tăng, nhưng biên lợi nhuận gộp giảm từ 16,5% xuống 14,2%. Hay tại Công ty cổ phần Chăn nuôi - Mitraco (MLS), trong ba tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận trên 106 tỉ đồng doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế giảm 19%, chỉ còn 18 tỉ đồng.
Xem thêm: lmth.gnat-ioig-eht-cuht-gnoul-aig-ihk-noub-ia-iuv-ia/993613/nv.semitnogiaseht.www