IMF hôm 21-5 kêu gọi ít nhất 40% dân số toàn cầu được tiêm vắc-xin vào cuối năm 2021 và ít nhất 60% vào tháng 6-2022. Nhưng theo trang Our World in Data, chỉ khoảng 9,5% dân số toàn cầu được tiêm ít nhất một liều vắc-xin cho đến nay. IMF cho biết trong báo cáo "Đề xuất chấm dứt đại dịch Covid-19" rằng không quốc gia nào có thể trở lại trạng thái bình thường cho đến khi tất cả các nước có thể đánh bại đại dịch. Theo IMF, số tiền 50 tỉ USD sẽ được sử dụng nhằm tăng tỉ lệ tiêm phòng lên mức 30% toàn cầu, mua sắm thêm các công cụ xét nghiệm và mở rộng năng lực sản xuất vắc-xin.
IMF gợi ý ít nhất 35 tỉ USD có thể đến từ các nhà tài trợ công, tư và đa phương, phần còn lại đến từ các chính phủ có khả năng được hỗ trợ bởi các cơ quan đa phương. IMF cảnh báo chi phí xã hội và kinh tế do ảnh hưởng đại dịch tiếp tục tăng và sự phục hồi vốn đã phân hóa giữa các quốc gia giàu và nghèo dường như sẽ tồi tệ hơn. Theo đài CNBC, IMF cho biết hiện đã có ít nhất 15 tỉ USD từ các cơ sở tài chính do các ngân hàng phát triển, như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, thiết lập.
Đề xuất của IMF được đưa ra cùng ngày các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu nhóm họp trực tuyến để thảo luận về cách hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 về sức khỏe toàn cầu, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc viện trợ thêm 3 tỉ USD trong vòng 3 năm tới để giúp các nước đang phát triển phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các hãng dược như Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson tại sự kiện cũng cam kết cung cấp 3,5 tỉ liều vắc-xin với giá gốc hoặc có chiết khấu cho các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Nỗ lực toàn cầu diễn ra trong bối cảnh các nhà chức trách Bangladesh, Nepal và Sri Lanka cho biết các nước này sắp cạn kiệt vắc-xin. Các ca mắc mới và tử vong do dịch Covid-19 đã đạt mức kỷ lục trên khắp Ấn Độ và các nước láng giềng trong những tuần gần đây. Với hơn 26,2 triệu ca nhiễm và hơn 295.000 ca tử vong, Ấn Độ buộc phải cấm xuất khẩu vắc-xin khi nguồn cung trong nước thiếu hụt, động thái ảnh hưởng nhiều nước phụ thuộc lô hàng vắc-xin từ New Delhi, đặc biệt là 3 nước láng giềng Bangladesh, Nepal và Sri Lanka. Trong khi đó, chiến dịch tiêm phòng tại 3 nước Nam Á nói trên cũng chậm lại do thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Các nước này đang khẩn trương tìm kiếm các thỏa thuận vắc-xin từ Nga, Trung Quốc cũng như phương Tây.
Xuân Mai
Người lao động
Xem thêm: nhc.23185223132501202-hcid-iad-tud-mahc-ed-dsu-it-05-nac-ioig-eht/nv.zibefac