Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp tại nước đang phát triển đủ trình độ tham gia vào mảng thị trường đang phát triển vượt bậc này.
Thế giới đang cần hàng tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, có nghĩa là cần tới hàng trăm triệu lọ thủy tinh đựng vaccine, hàng chục triệu thùng chứa giữ lạnh...
Tờ Luxemburger Wort ra hôm thứ Năm tuần trước (20/5) có bài: "Vaccine là một thị trường khổng lồ" viết rằng một công ty của Luxembourg đang tham gia dây chuyền sản xuất vaccine bằng cách cung cấp thiết bị bảo đảm giữ lạnh cho vaccine Pfizer cho tới tận lúc tiêm.
Thiết bị lưu động giữ lạnh cho vaccine từ khi xuất xưởng, vận chuyển, lưu giữ, luôn luôn ở mức siêu lạnh tới âm 70oC cần những công nghệ mà ít doanh nghiệp nắm vững.
Lọ thủy tinh đựng vaccine trông đơn giản nhưng các hãng dược cũng chỉ tin tưởng một vài nhà cung cấp.
Một y tá chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech tại một bệnh viện ở London, Vương quốc Anh. (Ảnh: AP)
Tờ Mặt trời 24h ra tại Italy cho biết, từ giữa năm 2020, công ty Stevanato của Italy đã ký hợp đồng cung cấp 100 triệu lọ thủy tinh borosilicat, tổng sức chứa lên tới 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19. Lọ thủy tinh của hãng này có hệ số giãn nở nhiệt rất thấp, làm lạnh sâu đến âm 70o C và trước khi tiêm lại phải rã đông về nhiệt độ bình thường mà không rạn nứt.
Tờ Neues Deutschland ra tại Đức cho biết thêm, không chỉ lọ thủy tinh cần công nghệ cao, mà nút cao su của lọ vaccine cũng không dễ làm, cũng vì lý do phải chịu được lạnh âm 70oC mà không giòn vỡ co ngót. Bài báo nhấn mạnh dùng chất liệu nào là cực kỳ quan trọng, vì vaccine nếu phản ứng hóa học với lọ nút thông thường sẽ mất đi tác dụng. Một số doanh nghiệp của Đức tham gia được vào mảng này, cung cấp lọ thủy tinh cũng như dây chuyền chiết vaccine vào từng lọ.
Một số nước đang phát triển cũng tham gia được vào quy trình sản xuất vaccine, nhưng là dòng vaccine truyền thống không đòi hỏi phải làm lạnh quá sâu.
Tờ Thời báo ra tại Thụy Sĩ đầu tuần vừa qua cho biết, Mexico và Pakistan đã tham gia vào công đoạn đóng chai và dán nhãn một loại vaccine Trung Quốc. Với vaccine công nghệ mới, tập đoàn BioNTech vừa quyết định lắp đặt dây chuyền tại Singapore, dự kiến sản xuất tới 1 tỷ liều vaccine Pfizer mỗi năm, bắt đầu từ năm 2023, tức là phải mất hơn 1 năm xây dựng, lắp đặt, kiểm định mới cho ra được sản phẩm.
Tờ báo Thụy Sĩ nhận xét: "Tạo dựng một dây chuyền sản xuất vaccine có thể nhanh hơn tại các nước đã từng sản xuất dược phẩm và vaccine, như Chile, Brazil hay Ấn Độ, vì các nước đó đã có sẵn công nghiệp phụ trợ, có thể tham gia một số công đoạn trong sản xuất vaccine".
VTV.vn - Một công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh vừa tung ra tour du lịch tiêm vaccine COVID-19 kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, thăm thân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!