Thịt bò, Sharon Stone và công chúng
Quỳnh Thư
(KTSG Online) - Cách đây gần 35 năm, khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn về bí quyết làm đẹp mới nhất của mình, nữ diễn viên xinh đẹp người Mỹ Cybill Shepherd trả lời rằng cô cố gắng tránh xa thịt đỏ. Câu trả lời này, thoạt trông thật bình thường, lại làm một số người nổi giận, trong số đó có các nhà chăn nuôi bò và đặc biệt là thành viên của Beef Industry Council (BIC - tạm dịch Hội đồng Công nghiệp thịt bò).
Số là, Shepherd khi ấy đã trở thành người phát ngôn cho một chiến dịch tiêu tốn nhiều triệu đô la của BIC nhằm khuyến khích người Mỹ ăn thêm thịt bò. Khẩu hiệu của chiến dịch này là: “Beef, Real Food for Real People” (tạm dịch: Thịt bò, thực phẩm đích thực cho con người đích thực). Cô này cùng với nam diễn viên James Garner đang xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo trị giá 30 triệu đô la (hơn 71 triệu đô la thời giá hiện nay) nhằm quảng bá khẩu hiệu này(1). Do vậy, người hâm mộ Shepherd không khỏi bối rối trước điều cô nói trong cuộc phỏng vấn và khẩu hiệu cô đang quảng bá.
Gần đây hơn, năm 2008, nữ diễn viên bốc lửa người Mỹ Sharon Stone ký hợp đồng quảng cáo với hãng mỹ phẩm Christian Dior. Tuy nhiên, sự cố xảy ra sau một trận động đất khủng khiếp ở Trung Quốc làm thiệt mạng hơn 68.000 người. Stone bình luận rằng trận động đất đó là kết quả của “nghiệp chướng xấu” (bad karma) bởi vì “Trung Quốc xâm lấn Tây Tạng”. Dĩ nhiên, người Trung Quốc nổi giận đùng đùng. Tất cả các phim có Stone xuất hiện bị cấm ở Trung Quốc, các quảng cáo có Stone cũng vậy. Christian Dior cũng thiệt hại nặng bởi khi ấy, Trung Quốc đang là thị trường tăng trưởng số một của hãng mỹ phẩm này.
Bên trên chỉ là hai câu chuyện trên thế giới cho thấy tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng đến công chúng qua các quảng cáo của họ. Sở dĩ nhắc đến điều này là vì gần đây nổi lên nhiều quảng cáo quá đà của các nghệ sĩ ở Việt Nam gây bất bình trong dư luận. Đáng nói hơn, một số quảng cáo đó liên quan đến các sản phẩm sức khỏe, trong đó họ bị cho là ca ngợi quá đà công dụng của sản phẩm. Cũng đáng nói không kém là các quảng cáo về tiền ảo do một loạt nghệ sĩ thực hiện trong khi mức độ rủi ro của loại tiền này là khỏi phải bàn; thêm nữa, quảng cáo lại liên quan đến một nhóm đầu tư đa cấp từng bị cảnh báo là có khả năng lừa đảo(2).
Dùng hình ảnh người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm là công thức phổ biến khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, cả hai phía - nhà quảng cáo và người nổi tiếng - đều phải tuân thủ một số nguyên tắc. Công ty càng lớn, nghệ sĩ càng nổi tiếng, càng nên cẩn thận vì hậu quả xấu, nếu có, sẽ hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến cả tài chính lẫn tiếng tăm của doanh nghiệp lẫn nghệ sĩ. Còn có một bên khác cùng lãnh thiệt hại nặng nề dù họ không làm gì cả là công chúng hay người tiêu dùng.
Trở lại trường hợp của BIC và Cybill Shepherd. Ai có lỗi, BIC hay Shepherd? Có người bình luận là cả hai, bởi lẽ BIC đã không điều tra kỹ lưỡng quan điểm của Shepherd trước khi ký hợp đồng, còn Shepherd chỉ biết quan tâm đến tiền mà không màng gì đến nội dung của câu khẩu hiệu mình nhận lời quảng bá.
Theo ý riêng của người viết, dù thị trường quảng cáo loại này ở Việt Nam chưa phải là lớn so với nhiều nơi trên thế giới, đối với thu nhập bình quân của người dân, lại không phải là nhỏ. vnexpress.net dẫn một nguồn tin cho biết một bài đăng trên Facebook có giá từ 10-70 triệu đồng, còn một video giới thiệu sản phẩm từ 50-200 triệu đồng(3). Cũng cần lưu ý là tuy giá trị các quảng cáo với người nổi tiếng ở Việt Nam chưa cao so với nơi khác, các nguyên tắc đạo đức các nghệ sĩ Việt cần tuân thủ lại không khác gì đồng nghiệp của họ trên thế giới. Nghệ sĩ Việt cần rút kinh nghiệm của Shepherd: họ phải quan tâm đến nội dung và, phần nào đó, độ trung thực của quảng cáo sẽ thực hiện bên cạnh số tiền quảng cáo.
Xin nhấn mạnh, nghệ sĩ phải lưu ý đến nội dung họ đang thể hiện, nhất là trong những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người. Nói cách khác, các nghệ sĩ cần ý thức rằng trong một vở kịch hay một cuốn phim, họ có thể hóa thân thành bất cứ nhân vật nào, nói bất kỳ những gì kịch bản viết. Tuy nhiên, với quảng cáo đó là một câu chuyện khác. Thông tin họ truyền đạt trong một quảng cáo không phải là hư cấu và hoàn toàn có thể được nhiều người tin là thật. Do đó, nghệ sĩ có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, kể cả trách nhiệm hình sự, nếu nội dung họ thể hiện trong quảng cáo gây hậu quả xấu đối với công chúng.
Bất kỳ nghệ sĩ nào có tiếng tăm hay không khi còn mơ hồ về vấn đề này phải tìm hiểu thật kỹ trước khi ký hợp đồng nếu không muốn gặp rắc rối về sau.
Người nổi tiếng, dù số lượng fan có lớn đến bao nhiêu hay fan page (trang dành cho người hâm mộ) có độ thu hút mạnh mẽ đến đâu, người ấy trước hết cũng là một công dân với đầy đủ trách nhiệm như mọi đồng bào của mình. Như vậy, khi hậu quả xấu xảy đến, rất khó có được biện minh nào thỏa đáng dù có thật lòng đến đâu.
-----------------
(1)https://apnews.com/article/cfcdbd70f0f9489d614833b07b30fdd5
(2), (3)https://vnexpress.net/nghe-si-quang-cao-online-that-gia-lan-lon-4281295.htm
Xem thêm: lmth.gnuhc-gnoc-av-enots-norahs-ob-tiht/585613/nv.semitnogiaseht.www