Giá vật liệu xây dựng tăng quá cao, doanh nghiệp Tiền Giang ‘kêu cứu’
Trung Chánh
(KTSG Online) – Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh thời gian gần đây, thậm chí có loại tăng đến 100%, đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xây dựng. Hơn 20 doanh nghiệp trong lĩnh vực này của tỉnh Tiền Giang vừa đồng loạt kiến nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Sắt thép xây dựng tăng mạnh, ảnh hưởng đến các dự án đầu tư. Ảnh: Trung Chánh |
Trong đơn kiến nghị về việc hỗ trợ bù giá vật liệu xây dựng gửi Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và các đơn vị có liên quan của tỉnh Tiền Giang, 21 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở địa phương này đồng loạt ký tên cho rằng, từ cuối năm ngoái đến nay, giá vật liệu xây dựng, bao gồm sắt thép, tôn, cát, đá, gỗ, cửa nhựa, sơn, xăng dầu… đã tăng mạnh, với mức trung bình 25%. Đặc biệt, giá thép đã tăng 50-60%; cát xây dựng (cát xây và san lấp) tăng 100%; xăng tăng 33%; dầu tăng 36%.
Cụ thể, ở thời điểm hiện nay, giá cát san lấp được các doanh nghiệp mua vào là 220.000 đồng/m3; cát xây là 300.000 đồng/m3, tăng gấp đôi so với cuối năm 2020; thép cây hiện có giá là 19.500 đồng/kg; sắt công nghiệp (thép tấm) có giá 26.500 đồng/kg, tăng đến 7.000 đồng/kg so với mức giá hồi đầu năm nay; gỗ căm xe là 45 triệu đồng/m3, tăng 1,5 lần so với cuối năm 2020; vật tư điện nước tăng khoảng 20%.
Việc giá cát san lấp mặt bằng và cát xây tăng mạnh thời gian gần đây do đã cạn nguồn cung, nhiều mỏ cát đã hết phép hoạt động dẫn đến cầu vượt cung, sốt giá. Trong khi đó, giá thép tăng được chỉ ra là do bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu, cho nên, việc nhập khẩu khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao.
Thậm chí, dự báo thời gian tới giá sắt thép và cát sẽ còn tiếp tục khan hiếm, tăng giá. Điều này, tác động rất lớn đến các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xây dựng, nhất là khi đơn giá được đưa ra từ các dự án xây dựng nói chung và các dự án đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước nói riêng trước đó thấp hơn khá xa so với giá thị trường hiện nay. “Gần đây, có nhiều gói thầu chúng tôi phải gánh mức giá thị trường quá cao, dẫn đến thua lỗ nặng”, đơn kiến nghị của các doanh nghiệp viết.
Cát đá xây dựng cũng tăng rất mạnh, thậm chí đến 100%. Ảnh: Trung Chánh |
Trao đổi với KTSG Online, ông Phan Kinh Kha, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển xây dựng Phan Kha - một trong các doanh nghiệp đã ký đơn kiến nghị - cho biết việc trượt giá của vật liệu đã ảnh hưởng đến tiến độ các dự án ở địa phương. “Nhà thầu đã đấu thầu và có kết quả giao thầu rồi, nhưng khi triển khai thì giá vật tư thực tế tăng vài chục phầm trăm so với giá dự toán ban đầu, dẫn đến nguy cơ vỡ trận là rất cao”, ông Kha cho biết.
Không chỉ giá vật tư, theo các doanh nghiệp ký đơn kiến nghị, giá nhân công thực tế thuê mướn cũng cao hơn rất nhiều so với giá nhân công được UBND tỉnh Tiền Giang ban hành để lập dự toán (đối với các dự án đầu tư công, đầu tư bằng ngân sách - PV), cho nên, doanh nghiệp phải bù lỗ.
Theo đó, giá UBND tỉnh ban hành đối với nhân công thợ bậc 3,5/7 nhóm 3 là 222.280 đồng/ngày; bậc 4/7 là 241.291 đồng/ngày, trong khi thực tế thuê từ 300.000-400.000 đồng/ngày, tức chênh lệch khá cao.
Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng ở Tiền Giang đề nghị, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, địa phương xem xét chấp thuận hoặc kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho điều chỉnh đơn giá nhân công và đơn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là sắt thép, cát xây dựng để phù hợp với giá thị trường hiện nay.
“Trong tình huống như hiện nay, nếu không vi phạm các quy định trong đầu tư công, tỉnh (Tiền Giang) nên xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để sớm triển khai các dự án tại địa phương”, ông Kha đề xuất.
Trong khi đó, các doanh nghiệp có đơn kiến nghị cho rằng việc điều chỉnh giá vật tư nhân công là để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ổn định, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương.
Xem thêm: lmth.uuc-uek-gnaig-neit-peihgn-hnaod-oac-auq-gnat-gnud-yax-ueil-tav-aig/606613/nv.semitnogiaseht.www