Hai liều vaccine
Tại Tọa đàm trực tuyến: "Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó COVID-19", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng bên cạnh những hỗ trợ từ chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ, doanh nghiệp Việt cần được "tiêm" 2 liều vaccine để phòng ngừa COVID-19.
Đầu tiên theo ông Lộc, liều vaccine đầu tiên cần tiêm là "vaccine tự thân". Theo đó, doanh nghiệp Việt cần phải xây dựng được một hệ thống quản trị linh hoạt, thưc hiện mạnh mẽ chuyển đổi số…
"Một hệ thống quản trị doanh nghiệp linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp chống đỡ tốt hơn với dịch bệnh. Đây là liều vaccine tự thân", ông Lộc cho biết.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (Ảnh: Thanh Hải)
Bên cạnh vaccine tự thân, doanh nghiệp Việt cần phải sớm tiếp cận được vaccine y tế để có thể sớm vượt qua dịch bệnh. Theo ông Lộc, việc các doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vaccine COVID-19, cũng như chủ động tìm mua vaccine là điều rất quan trọng.
Vaccine doanh nghiệp
Cũng tại Hội nghị, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho rằng Chính phủ đang làm rất tốt trong khả năng của mình trong việc tìm mua vaccine COVID-19. Song cùng quan điểm với Chủ tịch VCCI, ông Hiếu cho rằng chúng ta cần mở ra một kênh nữa là vaccine doanh nghiệp.
"Theo phản ánh, chi phí xét nghiệm, truy vết COVID-19 cao hơn rất nhiều so với tiêm vaccine. Doanh nghiệp nên được quyền chủ động tiêm vaccine từ nguồn doanh nghiệp tự chi trả. Nhà nước kiểm soát về mặt an toàn, ở 2 khía cạnh là quy trình tiêm và danh mục vaccine", ông Hiếu nêu quan điểm.
Ông Hiếu nhấn mạnh rằng những quyết định của Chính phủ về vaccine doanh nghiệp cần phải rất nhanh bởi nếu trì hoãn 2, 3 tháng, câu chuyện này có khi lại không còn ý nghĩa.
Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung Ương Phan Đức Hiếu
"Tôi đề xuất ngoài vaccine từ nguồn của Chính phủ, chúng ta nên có cơ chế để doanh nghiệp tự tìm kiếm và chi trả để tiêm vaccine cho người lao động. Làm được điều này, nguồn vaccine của Chính phủ sẽ càng công bằng hơn để tiếp cận với những đối tượng khác trong xã hội", ông Hiếu cho biết.
Cũng liên quan đến nội dung này, ông Than Đức Việt – TGĐ Công ty May 10 cho biết công ty đã đưa ra các kịch bản chống dịch khác nhau, như cách ly 1 tổ sản xuất hay 1 toà nhà. Nhưng các vấn đề cách ly, truy vết, dập dịch chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề, bởi vaccine đóng vai trò trọng yếu.
"Doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng chính phủ để xã hội hoá nguồn vaccine, chúng tôi đã đề xuất Chính phủ cho phép ngành may mặc và những ngành nhiều lao động ưu tiên tiêm vaccine trước", ông Việt cho biết.
Ông Than Đức Việt – TGĐ Công ty May 10
Hôm 18/5, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa gửi công văn tới Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ doanh nghiệp dệt may mua/tiêm vaccine COVID-19.
Cụ thể, Vitas đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch. Bên cạnh đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vaccine tiêm phòng cho người lao động (theo chủ trương xã hội hoá mà Chính phủ đề xuất) để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vaccine.
Sau đó vào ngày 21/5, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 đề nghị cho doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vaccine.
"Nếu mỗi doanh nghiệp tự bỏ kinh phí ra mua vaccine tiêm phòng cho người lao động của mình thì chi phí này tính ra rẻ hơn rất nhiều lần so với thiệt hại mà COVID-19 gây ra. Ý thức được được đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ cam kết sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ", Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết.
Theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.
Tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng. Trong đó kinh phí mua vaccine khoảng 21.000 tỉ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỉ đồng.
Ngày 19/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Tờ trình trình Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ Vaccine phòng COVID-19. Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác mua vaccine phòng COVID-19, việc thành lập Quỹ Vaccine phòng COVID-19 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vaccine để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.
Hôm 20/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đồng ý với phương án sử dụng nguồn kinh phí do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch COVID-19 để mua vaccine.
Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, đồng thời hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với sở tài chính địa phương thực hiện chuyển toàn bộ số kinh phí đã tiếp nhận ủng hộ (còn lại) vào ngân sách Nhà nước để mua vaccine phòng COVID-19.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.27845552152501202-teiv-peihgn-hnaod-ohc-91-divoc-eniccav-ueil-iah/et-hnik/nv.vtv