“Ông trùm” với nhiều dự án lớn
Công ty cổ phần Tasco tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1971 với tên gọi là Đội cầu Nam Hà. Sau khi tiến hành cổ phần hoá, năm 2008 cổ phiếu của công ty chính thức lên sàn chứng khoán với mã HUT.
Ban đầu, lĩnh vực chính của Tasco là đầu tư hạ tầng giao thông với dự án xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch và các trạm thu phí tự động trên cả nước. Tasco từng được mệnh danh là “trùm BOT” khi mạnh tay đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trải dài từ Bắc đến Nam.
Một vài dự án nổi bật có thể kể đến như: Dự án xây dựng công trình nâng cấp đường tỉnh 39B Thái Bình theo hình thức hợp đồng BT (tổng mức đầu tư 1.882 tỷ đồng); dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua thành phố Hải Phòng theo hình thức hợp đồng BOT (tổng mức đầu tư 2.815 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc (tổng mức đầu tư 3.801 tỷ đồng),… Bên cạnh đó, Tasco còn đầu tư 28 trạm thu phí tự động không dừng trên toàn quốc với tổng mức đầu tư 1.524 tỷ đồng.
Không bằng lòng với danh xưng “trùm BOT”, năm 2014 lãnh đạo Tasco thể hiện tham vọng “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và khẳng định đây sẽ là ngành kinh doanh mũi nhọn của doanh nghiệp. Sau 2 năm chuẩn bị cho mảng bất động sản, năm 2016 Tasco mới có cú “chào sân” khi đưa ra thị trường dự án Xuân Phương Residence.
Bên cạnh đó, Tasco cũng ra mắt hàng loạt dự án bất động sản có tiếng như: Dự án Foresa Villa, dự án căn hộ cao cấp 48 Trần Duy Hưng, dự án xây dựng khu đô thị Mỹ Đình – Nam Từ Liêm, dự án đầu tư xây dựng nhà ở South Building – Pháp Vân,…
Vỡ mộng tham vọng “lấn sân” sang bất động sản
Từng có một thời “hoàng kim” với những dự án lớn thu lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, song những năm gần đây tình hình kinh doanh của Tasco vô cùng bết bát khi doanh thu và lợi nhuận liên tục “lao dốc không phanh”.
Năm 2016 là thời điểm “thăng hoa” của Tasco khi ghi nhận doanh thu gần 3.000 tỷ đồng, tăng 31%. Trong đó, đáng chú ý là doanh thu đến từ bất động sản đạt hơn 2.100 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu và bằng 676,1% so với năm 2015. Được biết, nguồn thu này chủ yếu đến từ các dự án Foresa Villa và Xuân Phương Residence. Sự khởi sắc trong mảng kinh doanh mới đã đem lại hơn 403 tỷ đồng lãi ròng cho doanh nghiệp vào năm 2016, con số này tăng gấp 2,5 lần so với năm trước.
Đáng tiếc thay, đang “lên đỉnh” nhờ bất động sản thì tình hình kinh doanh của Tasco lại có dấu hiệu đi xuống từ đầu năm 2017. Song, đến năm 2018 tình hình kinh doanh của Tasco mới thực sự rơi vào thế khó khi doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.147 tỷ đồng và 65 tỷ đồng, giảm lần lượt 91% và 350% so với năm 2017.
Nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh ảm đạm này do 3 trong số 5 dự án BOT vốn được xem là “gà đẻ trứng vàng” của Tasco phải tạm dừng thu phí do vướng phải làn sóng các tài xế phản đối các BOT lan rộng trên toàn quốc. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới dòng tiền và hiệu quả hoạt động, phá vỡ các dự tính và dự báo của công ty này trong năm 2018.
Bên cạnh đó, dù kỳ vọng nhiều vào bất động sản nhưng mảng này không phải là "miếng pho mát dễ ăn" như lãnh đạo Tasco hằng mong muốn. Doanh thu mảng bất động sản năm 2018 của Tasco giảm mạnh gấp đôi so với năm trước, chỉ còn 426 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do tiến độ thực hiện dự án chậm trễ nên chưa thể thu hồi lợi nhuận và vướng phải lùm xùm xoay quanh những sai phạm của dự án Xuân Phương Residence và Foresa Villa.
Năm 2019 tình hình kinh doanh của Tasco vẫn trong tình trạng ảm đạm, nhưng phải đến năm 2020 “vận đen” của “vua BOT” mới lên đến đỉnh điểm khi ghi nhận khoản lỗ ròng 235 tỷ đồng.
Cụ thể doanh thu năm 2020 của công ty đạt gần 762 tỷ đồng, giảm 46% so với năm 2019. Trong cơ cấu doanh thu, mảng thu phí đường bộ mang lại 506 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Đáng chú ý là mảng bất động sản – mảng từng được xem là ngành mũi nhọn của Tasco chỉ đạt 13 tỷ đồng. Con số này giảm gấp 7 lần so với doanh thu năm 2019 và giảm gấp 161 lần so với doanh thu năm 2016 (thời điểm thăng hoa của mảng bất động sản Tasco ).
Kết quả năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ sau thuế 235 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 53 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2020, nợ phải trả của Tasco lên đến 7.197 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản (10.098 tỷ đồng) của công ty. Trong đó, nợ vay dài hạn lên tới hơn 6.000 tỷ đồng, gây áp lực lớn về chi phí lãi vay.
“Rót tiền” vào VETC, thua lỗ ê chề
Kết quả kinh doanh bết bát của Tasco năm 2020 ảnh hưởng rất lớn từ Dự án Thu phí tự động không dừng của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (doanh nghiệp do Tasco nắm giữ hơn 98% vốn điều lệ).
Trong năm 2020, ngoài số tiền góp vốn 277 tỷ đồng, Tasco đã cho VETC vay thêm 327 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đơn vị đầu tư vào dự án này lên đến 604 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc về tiến độ ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư BOT dẫn tới doanh thu và lợi nhuận của dự án VETC đều không đạt kế hoạch.
Báo cáo thường niên của Tasco cho biết, ngoài dự án Thu phí tự động không dừng, các dự án bất động sản của đơn vị cũng gặp khó vì nhiều dự án chưa thể triển khai theo đúng kế hoạch. Điển hình là Dự án BT Lê Đức Thọ - Khu độ thị mới Xuân Phương (Hà Nội) chưa được quyết toán và ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh nên đến năm 2022 mới có thể triển khai.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu thu phí đường bộ, dẫn đến lợi nhuận từ hoạt động thu phí giảm. Cụ thể, trong những ngày giãn cách xã hội ở những địa phương gần trạm thu phí BOT của công ty, doanh thu sụt giảm chỉ còn 30%-50% so với thời gian không giãn cách xã hội.
Trước những khó khăn trên, Tasco dự kiến sẽ lỗ thêm 100 tỷ đồng trong năm 2021, dù tổng doanh thu dự kiến tăng thêm 150 tỷ đồng so với năm ngoái, ở mức 900 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động thu phí đường bộ dự kiến mang về 550 tỷ đồng; lĩnh vực bất động sản khoảng 50 tỷ đồng, chủ yếu từ việc bán sàn thương mại Dự án Xuân Phương Residence (Hà Nội).
Nếu tình hình kinh doanh của Tasco đúng như kế hoạch đã đề ra, năm 2021 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp công ty này báo lỗ sau thuế kể từ năm 2006 đến nay.
Chốt quý I/2021, doanh thu thuần của Tasco đạt gần 237 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Trừ đi giá vốn và các loại chi phí, Tasco báo lỗ sau thuế trong 3 tháng đầu năm là hơn 24,5 tỷ đồng.