Ngày 27.5, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, Bộ này vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Theo đó, dự thảo Thông tư này nhằm tiếp nối Thông tư 112/2020/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, sẽ hết hạn vào ngày 30.6 tới.
Nội dung dự thảo thông tư này được xây dựng trên cơ sở kế thừa mức thu các khoản phí, lệ phí đã được quy định giảm tại Thông tư 112/2020/TT-BTC và bổ sung thêm giảm mức thu 1 khoản phí thuộc lĩnh vực thủy sản theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại dự thảo, sẽ có hàng loạt loại phí, lệ phí được kiến nghị giảm, như: lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng; phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn...
Theo Bộ Tài chính, mỗi loại phí, lệ phí được đề xuất giảm từ 10%-50% so với mức thu hiện hành ban hành kèm theo quyết định liên quan.
Bộ Tài chính cho hay, dự kiến số thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 1.000 tỉ đồng nếu đề xuất này được thông qua và đưa vào thực hiện.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận xét việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của nghiệp. Đặc biệt giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động…
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, giảm phí thôi chưa hẳn giải quyết khó khăn khi các quy định về thủ tục vẫn cứng nhắc, gây tốn hao nhiều chi phí khác hơn cho doanh nghiệp. Một mặt hàng vẫn qua 2 - 3 lần kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm...
Chẳng hạn, giảm phí kiểm tra lô hàng nhập khẩu, nhưng lô bột mì phải có 3 tờ giấy trên, hay sữa bột phải có giấy kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Như vậy, cùng một sản phẩm, cùng một mục đích nhưng doanh nghiệp phải trả chi phí kiểm tra xét nghiệm 2 - 3 nơi là gây khó cho doanh nghiệp.