Chỉ trong tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt động thái để hạ nhiệt thị trường: cam kết sẽ dẹp bỏ hiện tượng đầu cơ giá kim loại, hồi sinh ý tưởng thuế bất động sản, giám sát chặt hơn hiện tượng tăng lãi suất thế chấp ở một vài thành phố và cấm đào tiền số.
Trung Quốc rất thận trọng trước nguy cơ bong bóng tài sản trong bối cảnh nước này đang duy trì chính sách tiền tệ khá lỏng lẻo để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Dự kiến sẽ có nhiều chiến dịch được thực hiện để ngăn thị trường tài chính biến động thất thường trước thềm lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào 1/7 tới.
"Xu hướng chính sách giờ tập trung vào đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính", Alex Wolf, chuyên gia của JPMorgan Private Bank nhận định. "Bắc Kinh sẽ muốn giải quyết rủi ro bong bóng ngay từ "trong trứng nước" với những hành động quyết liệt nhằm vào các mục tiêu cụ thể thay vì phải điều chỉnh mạnh chính sách chung. Chừng đó là đủ ở thời điểm hiện tại".
Hiện áp lực lạm phát đang gia tăng trên toàn thế giới vì các nền kinh tế đang hồi phục và đẩy lực cầu tăng mạnh. Các NHTW ở châu Âu và Mỹ kiên quyết cho rằng đà tăng giá chỉ là tạm thời và họ sẽ duy trì chính sách lãi suất siêu thấp trong tương lai gần.
Diễn biến trên thị trường trái phiếu Trung Quốc cũng cho thấy nhà đầu tư không kỳ vọng chi phí đi vay sẽ sớm tăng. Lợi suất trái phiếu 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 9 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, mức lợi suất 3,1% vẫn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn từ bên ngoài chảy vào ồ ạt cộng với dòng vốn trong nước dồi dào (vì các biện pháp kiểm soát vốn khiến nhà đầu tư trong nước không có nhiều lựa chọn) tạo nên dòng tiền cực lớn.
Những biện pháp gần đây đã tỏ ra hiệu quả: giá hàng hóa tương lai đã rời khỏi các mức kỷ lục trong vài tuần gần đây và giá tiền số thì lao dốc. Tháng 5 giá Bitcoin đã giảm khoảng 30% do chịu nhiều yếu tố tiêu cực từ những bình luận của Elon Musk cho đến chính sách mới của Trung Quốc.
Có những lúc Trung Quốc "đàn áp" 1 góc của thị trường tài chính thì lại dẫn đến những tài sản khác tăng giá. Ví dụ, chỉ số CSI 300 đã tăng hơn 3% hôm 25/5 nhờ dòng vốn kỷ lục chảy qua mối liên kết với sàn Hong Kong và quỹ ETF lớn thứ hai Trung Quốc mua vào khối lượng lớn kỷ lục. Đồng nhân dân tệ cũng đang tăng mạnh nhất 3 năm so với đồng USD.
Có thể việc đó cũng nằm trong toan tính của chính phủ Trung Quốc: TTCK sốt nóng sẽ giúp thị trường hàng hóa "nguội" bớt, trong khi đồng nhân dân tệ tăng giá giúp giảm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu thô. Điều này khiến áp lực lạm phát giảm xuống và cho phép NHTW duy trì chính sách linh hoạt.
Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ đối mặt với rủi ro lớn nếu như giá cả tiếp tục tăng và chịu sự chi phối của những yếu tố nằm bên ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Nếu điều đó xảy ra, NHTW Trung Quốc (PBOC) sẽ phải hành động quyết liệt hơn, ví dụ như rút bớt thanh khoản hoặc tăng lãi suất.
PBOC đã cam kết sẽ dần dần thoát khỏi các chính sách kích thích một cách thận trọng. Điều này đang diễn ra: tăng trưởng tín dụng đã hạ nhiệt một cách đáng kể.
Có vẻ hiện nay Trung Quốc muốn hành động mạnh mẽ ở tầm vi mô hơn là vĩ mô. Điều này đặc biệt đúng trên thị trường hàng hóa. Hôm qua, Reuters đưa tin cơ quan quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng ngừng cung cấp các sản phẩm hàng hóa tương lai cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Bloomberg đưa tin hải quan Trung Quốc siết chặt nhập khẩu ngô do lo ngại hoạt động nhập khẩu ngô đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
"Nếu bạn có cán cân vốn đóng như Trung Quốc nhưng lại nới lỏng chính sách thông qua kênh tín dụng thì dòng tiền vẫn được giữ lại trong nước và sẽ cần tìm chỗ để lưu thông. Đó có thể là thị trường nhà đất hay thị trường cổ phiếu. Đây là một trong những rủi ro lớn nhất và cũng là nguyên nhân giải thích tại sao Trung Quốc muốn nhanh chóng rút lại các chính sách kích thích trong năm nay", chuyên gia Alex Wolf của Morgan nói.
Tham khảo Bloomberg