Xoay xở trả lãi mua xe
Anh Nguyễn Văn Tùng (Hà Nội) lái xe được nhiều năm nay cho một doanh nghiệp chuyên chở hành khách nước ngoài đi tour kết hợp với các khách sạn. Dịch COVID-19 bùng phát, khách nước ngoài không còn, các khách nội địa cũng ít dần, công ty đành phải giải thể. Những tài xế như anh Tùng buộc phải tự kiếm cơm thông qua việc lái taxi.
Thời điểm trước dịch, anh Tùng nhận được một số người đặt chạy liên tỉnh vào mỗi dịp cuối tuần và anh vẫn thường xuyên chở khách ra sân bay. Mỗi ngày anh kiếm được 800.000 - 1 triệu đồng, trừ chi phí, cũng đủ lo cho cuộc sống của gia đình và trang trải nợ nần.
Tuy nhiên, sau khi dịch bùng phát trở lại, nhiều người không đi về quê hay di chuyển ra sân bay nên anh Tùng không còn nhận được đơn đặt xe thường xuyên. Anh phải lang thang khắp phố phường, đỗ xe tại các trung tâm thương mại để mong kiếm được khách và kiếm đủ tiền đóng đàm cho hãng taxi, nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn.
“Lượng khách ban đầu giảm khoảng 10%, tới nay đã giảm tới hơn 80%. Thi thoảng tôi mới chạy được vài cuốc từ Long Biên sang nội thành được 20.000 - 30.000 đồng, không đủ chi phí xăng, dầu cho xe”, anh Tùng cho biết.
Khó khăn chồng chất, anh Tùng đưa ra quyết định khó khăn nhất: Bán xe để trả số tiền nợ từ trước khi mua xe và số tiền lãi 1,5 triệu đồng/tháng. Số tiền anh nhận được sẽ dùng để trả nợ và một phần sẽ đầu tư vào cửa hàng quần áo của vợ tại một chợ dân sinh gần nhà. Thay vì những ngày ăn ngủ trên xe, lê thê trên những con đường dài, công việc của anh Tùng bây giờ là nhận đơn hàng và đi ship đồ. Anh có đăng ký thêm chạy Grab, cùng một công đi giao anh có thể nhận được nhiều hơn.
Cùng chung hoàn cảnh như anh Tùng, anh Nguyễn Thành Đạt (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng từng là một người lái taxi nay phải bán xe để trả nợ và tìm việc mới. May mắn hay anh Đạt tìm được một công việc sửa điện tại chợ dân sinh gần nhà. Công việc chính của anh hiện giờ là bảo trì đường điện, sửa chữa các thiết bị trong chợ.
Một tháng anh Đạt thu thêm được 2.500.000 đồng. Với số tiền lương ít ỏi đó, anh cũng chi tiêu tiết kiệm sao cho đủ nuôi gia đình và tiền học của cậu con trai học lớp 4. Bên cạnh việc sửa chữa điện trong chợ, anh Đạt cũng nhận làm shipper cho cho ứng dụng giao hàng. Mỗi tối anh có thêm 100.000 - 200.000 đồng tiết kiệm để cuối tháng trả tiền nhà, tiện điện và cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Từ lái xe chuyển sang …trông trẻ
Anh Nguyễn Văn Hùng (Long Biên, Hà Nội), sau khi bán xe, cũng đã đổi từ nghề lái taxi sang trông trẻ thuê cùng với với khoản tiền công ít ỏi từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/tháng. Dù số tiền không nhiều nhưng với anh Hùng, lúc này đây là khoản chi phí đủ cho 3 người trong gia đình 'lần hồi qua ngày'.
Mỗi sáng sớm, vợ anh Hùng lại mở cửa để đón những đứa trẻ, chị bật điều hòa và để chúng chơi với nhau. Mới đổi nghề nên nhiều lúc anh Hùng chưa quen với việc hàng ngày ở nhà trông trẻ. Anh chia sẻ: “Tôi đã quen đi khắp phố phường hàng ngày. Hiện tại phải ngồi một chỗ trông trẻ cũng khó chịu, nhưng tình hình dịch còn phức tạp nên tôi không thể làm gì khác”.
Mười hai giờ trưa, anh Nghĩa (lái xe taxi tại Hà Nội) vội vàng bê suất cơm bụi từ bên đường về ngồi trong xe để chờ đàm. Đã nhiều ngày nay, anh ra đường từ lúc 7h sáng và chỉ về nhà khi gần nửa đêm. Trên xe anh vẫn còn hộp mì húp vội từ sáng. Anh Nghĩa tâm sự: “Sáng nay may mắn, tôi nhận được một cuốc khách đi từ Long Biên sang Nguyễn Chí Thanh. Thế nên trưa nay tôi mới dám ăn cơm. Bình thường chỉ có mì tôm thôi”.
Ăn xong, anh Nghĩa không dám rời xe vì còn trực đàm chờ khách. Trong lúc chờ đợi, anh tìm một chỗ đỗ ở gần công viên Nghĩa Đô nghỉ tạm. Anh Nghĩa nói thêm: “Nếu tình hình kéo dài, chắc tôi sẽ phải xin đi làm công nhân xây dựng ở gần nhà. Thu nhập một ngày 300.000 đồng còn khá hơn bây giờ”.
Sự chờ đợi trong hẩm hiu không chỉ xảy ra với anh Nghĩa, em Nguyễn Đức Long (một tài xế taxi truyền thống) cũng phải vất vả để kiếm đủ tiền được hãng khoán hàng ngày là 300.000 đồng. Trước đó, Long học hết cấp ba, vì gia đình khó khăn, em quyết định kiếm công việc mưu sinh thay vì đi học đại học mặc dù đã có giấy báo đỗ.
Chạy được mấy tháng, Long cũng bỏ ra được chút ít. Nhưng chưa được bao lâu thì dịch ập đến, em đành trả xe và đổi nghề khác. Trong lúc khó khăn nhất, em được một người bạn giới thiệu cho công việc chạy quảng cáo và marketing online. Long quyết định dành nốt số tiền tiết kiệm để đi học và mong tìm được một công việc với mức lương ổn định hơn.
Đức Huy
TIỀN PHONG