Ông Lê Thanh Vân thẳng thắn bày tỏ: "Chúng ta không nên "vọng ngoại" quá, mà phải chú ý nội lực, tìm yếu tố nội sinh. Tôi thấy nguồn lực trong nước nhiều, đủ để chúng ta hoàn toàn có thể tự lực, tự cường được".
"Về đầu tư nước ngoài, như nhiều nhà kinh tế hoạch định chính sách hay nói hoa mỹ là "lót ổ cho đại bàng". Tôi nghĩ không nhất thiết là "đại bàng ngoại", mà "đại bàng nội" chúng ta cũng có nhưng phải có những yếu tố tiền đề. Đó là môi trường pháp lý như tôi vừa nói, đó là rà soát thể chế nhà nước, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, công nghệ... Nói cách khác là luật lệ, luật chơi phải hấp dẫn thì các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước mới sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư" - đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Bảo vệ nhà đầu tư
Đại biểu Lê Thanh Vân lưu ý, thứ nhất, việc bảo vệ chế độ hợp đồng với tư cách là Nhà nước, các hợp đồng giữa Nhà nước với tư nhân, giữa tư với tư, công với tư. Nhà nước với vai trò, công cụ là chủ thể của quản lý phải duy trì được tính công bằng khách quan để bảo vệ được điều khoản trong hợp đồng.
Thứ hai là bảo đảm được tài sản. Quan trọng là Nhà nước phải bảo vệ được giá trị tài sản của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ được điều khoản cam kết hợp đồng thì mới có niềm tin đầu tư.
Thứ ba là môi trường văn hóa, đặc biệt là văn hóa kinh doanh, làm sao chặn được văn hóa kinh doanh kiểu chộp giật, được một lần mất nhiều lần, điển hình rõ nhất là sự tín nhiệm trong các giao dịch, nhất là tình trạng lôi kéo, lừa đảo. Đó chính là môi trường xã hội.
Thứ tư là hạ tầng và đặc biệt quy hoạch phải ổn định. Để hấp dẫn đầu tư nước ngoài, đại biểu Lê Thanh Vân đặc biệt lưu ý đến mô hình các khu công nghiệp.
"Có thể nói mô hình khu công nghiệp hiện nay đã lạc hậu so với trình độ phát triển của thế giới và khu vực. Việt Nam tham gia sâu vào các chuỗi giá trị, quy mô khu công nghiệp vài trăm ha, 1.000-1.500 ha đến nay là không thích ứng nữa. Mô hình khu công nghiệp hiện nay là một chuỗi cung ứng hoàn hảo. Trong khi các nước có khu công nghiệp quy mô 20.000-30.000 ha, chúng ta lại nhỏ lẻ vài ba trăm ha. Tôi nhớ không nhầm thì chúng ta chưa có khu công nghiệp quy mô 1.000 ha. Nếu không có mô hình khu công nghiệp mới thì chúng ta khó có thể kêu gọi được làn sóng đầu tư đến Việt Nam, phải tạo lập ra không gian hấp dẫn bằng mô hình mới trong quy hoạch các khu công nghiệp. Và yếu tố nữa là chất lượng nhân sự của bộ máy, hành xử chuyên nghiệp của bộ máy, của cán bộ công chức, viên chức" - ông Lê Thanh Vân nói.
Thu hút đầu tư trong nước, bỏ tư tưởng vọng ngoại
Về thu hút đầu tư trong nước, theo ông Vân, đã đến lúc chúng ta hoàn toàn có thể hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước. Trong nền kinh tế, chúng ta có các tập đoàn hùng mạnh, có tính dẫn dắt như Vingroup, Sungroup, T&T, FLC… Trong từng lĩnh vực chúng ta đã hình thành những đại bàng lớn nhưng làm sao phải bỏ tư tưởng "vọng ngoại", chỉ có nước ngoài mới đầu tư. Vấn đề là phân công giữa hai khu vực công và tư như thế nào?
Nhiều nghị quyết của Đảng đã xác định, những gì tư nhân không làm được thì Nhà nước mới làm. Đó chính là vai trò trụ cột của doanh nghiệp Nhà nước, đặt lợi ích công ích lên trên, còn lại tạo ra các giá trị về kinh tế thì phải trao cho xã hội và đặc biệt là lực lượng tư nhân – sứ mệnh của họ là làm giàu.
Cuối cùng, ông Vân kết luận, Việt Nam chỉ có thể hấp dẫn đầu tư nước ngoài ở 2 khía cạnh. Đó là khoa học công nghệ, và phải là tiên phong chứ đừng cho nhập khẩu các công nghệ lạc hậu để sau này trở thành những bãi thải về môi trường, để lại hậu quả nặng nề cho sau này. Thứ hai là công nghệ quản lý, trình độ quản lý – hai cái này doanh nghiệp trong nước đang tiếp thu rất tốt, tiến tới các doanh nghiệp trong nước phải thay thế các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Như thế, Việt Nam mới có thể hùng cường được, một quốc gia không thể hùng cường bằng nguồn lực ở nước ngoài được mà phải tự mình.