Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang bước vào mùa thu hoạch mủ cao su với niềm vui “vàng trắng” tăng giá cao nhất trong nhiều năm qua. Với mức giá đạt mức 15.000 đồng/kg thì bà con nông dân đã có thể làm giàu với loại cây trồng này.
Giá mủ cao su đã tăng cao
Năm nay, mùa mưa đến ở tỉnh Đắk Nông đến sớm hơn. Đây cũng là thời điểm báo hiệu mùa khai thác mủ cao su bắt đầu. Vụ thu hoạch mủ cao su bắt đầu từ đầu mùa mưa và kéo dài khoảng 9 tháng.
Hơn 1 tháng nay, gia đình anh Lê Hữu Nghĩa, ở xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp đang tiến hành khai thác mủ cao su. Anh Nghĩa cho biết, những năm qua, người dân gặp nhiều khó khăn vì giá mủ cao su xuống thấp, thu không đủ chi. Do đó, nhiều gia đình đã chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái… để có nguồn thu cao hơn. Lúc này gia đình tôi cũng “tiến thoái lưỡng nan”, nhưng cuối cùng vẫn quyết định giữ lại 2 ha cao su.
Hiện nay, giá mủ cao su nước đạt 360 đồng/độ TSC; mủ cao su chén ướt thu hoạch trong ngày là 13.000 đồng/kg; mủ cao su chén đánh đông qua đêm có giá 15.000 đồng/kg.
“Với 2ha cao su, gia đình anh thu về hơn 30 triệu đồng/tháng (trừ chi phí). Mong rằng giá mủ cao su tiếp tục giữ ổn định để nông dân khấm khá hơn sau nhiều năm giảm mạnh”, anh Nghĩa phấn khởi.
Gia đình anh Võ Điệp, cũng ở xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp cũng đang phấn khởi bước vào vụ thu hoạch. Theo anh Điệp, mấy năm trước, giá mủ cao su xuống thấp, nhiều người dân đã chặt bỏ cây cao su lấy gỗ bán. Riêng gia đình anh vẫn quyết tâm giữ 1 ha cao su để chờ đến ngày giá mủ tăng trở lại.
“Với 1 ha cao su, gia đình anh tôi có thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng, trừ chi phí. Dù chưa bằng thời kỳ được ví là “vàng trắng”, nhưng giá mủ cao su hiện nay đã là niềm mơ ước, thắng lợi lớn của người nông dân.
Không phát triển cây cao su ngoài vùng quy hoạch
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây cao su trồng mới trong giai đoạn 2011 - 2013 tăng 7.189 ha, bình quân tăng 2.396 ha/năm. Tuy nhiên, giai đoạn 2014 - 2018, do giá mủ cao su giảm sâu, nên nông dân không trồng thêm. Hiện, diện tích toàn tỉnh khoảng 27.484 ha với sản lượng ước đạt 26.724 tấn.
Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, ở độ cao dưới 600m, bà con nên trồng các giống cao su như RRIV4, RRIV2, RRIC121, GT1, RRIM 600; độ cao từ 600 - 700 m thì nên sử dụng các giống PB260, PB255, RRIM600…
Đối với tỉnh Đắk Nông hiện có 2 cơ sở chế biến mủ cao su, với tổng công suất 12.500 tấn mủ tờ/năm. Các sản phẩm cao su của tỉnh chủ yếu được xuất khẩu và bán cho doanh nghiệp trong nước hoặc tiêu dùng nội địa.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về cây cao su, xem đây là cây công nghiệp lâu năm. Cây cao su có lợi ích kinh tế và có tác dụng che phủ đất như cây lâm nghiệp.
Dù giá đã tăng trở lại, nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con nông dân không nên tự ý phát triển diện tích cao su ngoài vùng quy hoạch. Bà con nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, thu hoạch diện tích cao su hiện có hiệu quả, nâng cao thu nhập.
Xem thêm: odl.931419-maig-tus-man-ueihn-uas-tahn-oac-aig-gnat-gnart-gnav/et-hnik/nv.gnodoal