Việt Nam là khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, do đó hầu hết các tỉnh, thành phố có nền nhiệt lên đến hơn 40 độ C vào mùa hè. Việc sử dụng ô tô trong điều kiện nhiệt độ cao luôn cần một chiếc điều hoà tốt và hoạt động ổn định. Tuy nhiên, nhiều chủ xe sử dụng điều hoà không đúng cách làm cho tuổi thọ điều hoà giảm sút, đồng thời không đem lại hiệu quả làm mát như mong đợi.
Sử dụng điều hoà không đúng cách sẽ làm giảm tuổi thọ của nó.
Kỹ sư Lê Văn Tạch chia sẻ, có nhiều xe ô tô cũ có điều hoà không mát sâu mặc dù đã thay cả lốc (máy nén gas), dàn nóng, nguyên nhân thường do dàn lạnh trong xe bị bẩn.
“Trường hợp chiếc Vios sản xuất năm 2010 như hình dưới đây mà garage của mình đang xử lý. Các lỗ thông gió trên dàn lạnh để có gió mát thổi ra đã bị bịt tới khoảng 70%. Khi dàn lạnh bị bịt nhiều lỗ thông gió thì gió ra sẽ kém và sẽ có tiếng ù do bị quẩn gió trong cụm quạt gió”- Kỹ sư Tạch dẫn chứng.
Hình ảnh Kỹ sư Tạch chia sẻ về dàn lạnh bị tắc nghẽn.
Theo nhiều chuyên gia chia sẻ, ngoài việc bảo dưỡng xe đúng lịch là yêu cầu bắt buộc cho mọi xe trong tất cả các mùa của năm thì mùa hè bắt buộc phải chăm sóc điều hoà kĩ hơn.
Đầu tiên là lọc điều hòa, bộ phận này có tác dụng ngăn không cho bụi lọt vào bên trong xe qua lỗ thông gió. Trong quá trình sử dụng, lọc gió điều hòa có thể bị tắc sau một thời gian dài sử dụng. Để duy trì hiệu quả của điều hòa, chủ xe nên kiểm tra và thay thế bộ lọc điều hòa theo lịch bảo dưỡng định kỳ.
Két nước và giàn nóng cũng là hai bộ phận mà chủ xe cần thường xuyên kiểm tra, vì khi có bị tắc bởi lá, bụi bẩn hoặc côn trùng cũng dễ khiến cho hoạt động của hai bộ phận này không bình thường.
Bên cạnh đó, sự hoạt động của điều hoà cũng cần được chủ xe lưu ý. Trên thực tế, không ít người có thói quen khi vào xe là bật điều hòa (nút A/C), để mau làm lạnh cho xe. Tuy nhiên, khi xe mới khởi động thì tốc độ động cơ đang ở chế độ thấp và chưa ổn định, đã phải chịu tải lớn sẽ dễ làm hư hại tới bình điện.
Từ đó, chủ xe cần biết khi khởi động động cơ không nên bật điều hòa cũng như các thiết bị điện khác, mà cần hạ kính cửa sổ xuống và bật quạt gió ở số 1, để hơi nóng trong xe thoát ra. Khi vòng tua máy ổn định mới nên bật chế độ làm lạnh của điều hòa, và sau đó điều chỉnh mức quạt gió để tạo độ lạnh phù hợp. Hoặc có thể khi xe chuẩn bị di chuyển, chủ xe có thể khởi động xe trước 5 phút, sau đó bật điều hoà để hơi lạnh làm mát khoang cabin nhanh hơn.
Khi sử dụng điều hoà, tùy theo điều kiện vận hành trong thành phố hay trên đường cao tốc mà chủ xe lựa chọn chế độ lấy gió trong hoặc ngoài phù hợp. Bình thường, chủ xe nên để quạt lấy gió ngoài để xe có dưỡng khí, chỉ nên lấy gió trong khi mới bật điều hòa A/C. Mục đích để không khí bên trong xe nhanh được làm lạnh.
Chủ xe nên để chế độ lấy gió trong khi đi trời lạnh và mưa to vì lúc này không khí ẩm ở ngoài có thể gây ẩm mốc nội thất và tạo mùi hôi trong xe. Trong trường hợp xe đi qua vùng ngập nước cao, để an toàn tốt nhất là bạn nên tắt điều hòa và cả quạt gió tránh hiện tượng rác bẩn theo nước có thể làm kẹt cánh quạt dẫn đến đứt cầu chì quạt gió.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, các chuyên gia khuyên người sử dụng xe cá nhân nên mở cửa sổ, lấy gió tự nhiên để tránh các trường hợp lây nhiễm (nếu có).