vĐồng tin tức tài chính 365

TP.HCM: Chấp nhận hy sinh 2 tuần để bảo vệ lợi ích lâu dài

2021-05-31 07:05

Sáng 30-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

TP.HCM hoãn kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đồng ý với đề xuất của lãnh đạo Sở GD&ĐT về hoãn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cho đến khi có thông báo mới, thay vì thi ngày 2 và 3-6 như kế hoạch.

Các hoạt động sau khi giãn cách sẽ ra sao?

Kết luận tại cuộc họp, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định toàn địa bàn TP phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 31-5-2021.

Đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cách ly toàn địa bàn trong 15 ngày cùng thời điểm trên, theo nguyên tắc: Gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, phường cách ly phường.

Những phân xưởng, nhà máy sản xuất tại các địa bàn này phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Trong văn bản triển khai tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh phát đi tối cùng ngày, chính quyền TP cũng yêu cầu người dân thuộc hai địa bàn nêu trên chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị tạm dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

Cùng đó là thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

 Đối với việc di chuyển từ các địa bàn khác qua quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, ubnd TP giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an TP, UBND quận Gò Vấp và quận 12 có văn bản hướng dẫn cụ thể. Việc lập chốt kiểm soát, có thông báo cụ thể trên phương tiện thông tin đại chúng về các tuyến đường bị cấm hoặc hạn chế phương tiện để người dân biết và thực hiện theo đúng quy định.

TP.HCM: Chấp nhận hy sinh 2 tuần để bảo vệ lợi ích lâu dài - ảnh 1
Hẻm 819/100 Nguyễn Kiệm (quận gò vấp, tp.hcm) bị phong tỏa vì liên quan ca mắc COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chính quyền TP cũng đề nghị người dân TP bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch, hợp tác với chính quyền TP, nghiêm túc chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đặc biệt là đeo khẩu trang nơi công cộng và nơi làm việc, hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết. Người trên 60 tuổi ở nhà toàn thời gian, hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết.

Cùng đó là không tụ tập trên năm người ở bên ngoài các công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại nơi công cộng.

“Chọn giải pháp ít xấu nhất”

Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy  tp.hcm Nguyễn Văn Nên cho rằng TP.HCM phải chấp nhận giải pháp là cách ly, giãn cách trong hai tuần. “Buộc phải chấp nhận hy sinh hai tuần để bảo vệ lợi ích lâu dài. Hai tuần với TP.HCM rất lớn nhưng không có cách nào khác, chúng ta phải chọn giải pháp ít xấu nhất” - ông Nên nói.

Vì vậy, ông Nên thống nhất với việc nâng biện pháp phòng dịch COVID-19 lên mức cao hơn. Theo ông, thời gian này rất quan trọng để đón đầu, truy vết một cách chính xác, buộc TP phải hành động rộng hơn để kéo giảm tình hình, ngăn chặn dịch.

Theo ông Nên, trong hai tuần áp dụng giải pháp cách ly và giãn cách là để thực hiện tầm soát mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những nơi buộc phải hoạt động liên tục trong sản xuất kinh doanh. “Các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh báo cáo kịp thời kế hoạch sản xuất, kinh doanh an toàn. An toàn là theo hướng duy trì mọi hoạt động tối thiểu vì mục tiêu an toàn tối đa” - ông Nên nói.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị hạn chế việc đi lại không cần thiết, sản xuất kinh doanh cũng cần hạn chế, chỉ tập trung ở những khâu sản xuất mà không thể dừng và phải quản lý nghiêm.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH cùng các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương, rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng bởi cách ly và giãn cách như người bán vé số để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Về việc áp dụng Chỉ thị 15 và 16 trên địa bàn TP.HCM, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng đồng tình. Theo ông, khi áp dụng hai chỉ thị này thì kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

“Chúng ta phải chấp nhận bị ảnh hưởng một thời gian. Nhưng khu vực sản xuất cần cố gắng duy trì, bởi nếu ngưng hoạt động nhà máy, xí nghiệp thì sụt giảm kinh tế kinh khủng nhưng muốn tổ chức sản xuất thì phải rất chặt chẽ” - ông Bình nói và yêu cầu phải có quy trình chặt chẽ, kiểm tra giám sát sát sao và không để đứt gãy sản xuất.

Tập trung toàn lực để hành động có hiệu quả nhất

Theo bí thư thành ủy, chuỗi lây nhiễm từ Hội thánh truyền giáo Phục hưng, quận Gò Vấp đặc biệt nguy hiểm, lan rộng ra 16 địa bàn của TP. “Chúng ta đã bị thủng lưới từ một trường hợp phạm luật đặc biệt nghiêm trọng. Tình huống hết sức khó khăn, phức tạp buộc chúng ta phải tập trung toàn lực, quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt nhất và có hiệu quả nhất” - ông Nên nói và cho rằng đây là thử thách lớn cần vượt qua.

Theo ông Nên, hai chuỗi lây nhiễm này mang hai biến chủng Ấn Độ và biến chủng từ Anh, thông tin mới đây còn cho thấy hai chủng này có thể lai ghép với nhau. “Tình hình như vậy có thể vượt khả năng, vượt tầm kiểm soát của chúng ta. Tình hình trên đặt cho chúng ta trách nhiệm, đòi hỏi bình tĩnh, chủ động, dự báo sát tình hình, đưa ra giải pháp hiệu quả nhất có thể” - ông Nên nói.

bí thư thành ủy đề nghị trong khi chưa có vaccine phòng dịch, cần đẩy mạnh các giải pháp “tại chỗ” như lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ…; thực hiện nghiêm biện pháp 5K; tăng cường lực lượng như sinh viên các trường y. Cùng đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện để kịp thời nhắc nhở và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm về quy định phòng chống dịch bệnh.

Liên quan đến vấn đề vaccine, ông Nguyễn Văn Nên cảm ơn các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đã chung tay ủng hộ kinh phí mua vaccine. Ông đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của TP.HCM xúc tiến nhanh nhất có thể để sớm mua vaccine phòng dịch.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng biểu dương TP.HCM đã phản ứng kịp thời, vì thế mà đến lúc này đã có bước ngăn chặn khá cơ bản.

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị TP.HCM phải đặt câu hỏi tại sao chuỗi lây nhiễm ở Hội thánh truyền giáo Phục hưng chỉ trong bốn ngày mà đã lây đến 136 ca và còn bao nhiêu ca âm thầm mà chưa bị truy tới. Ông yêu cầu cần làm quyết liệt để phát hiện triệt để chuỗi lây nhiễm này, không để lây trong nhà máy, xí nghiệp, trường học. Đồng thời xử lý nghiêm những người vi phạm phòng chống dịch.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM cần chủ động hơn nữa trong phòng chống dịch, đồng thời phải đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cuộc sống cho người dân.•

Lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng ở TP.HCM

Ngoài biện pháp giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị của UBND TP trước đó. Trong đó doanh nghiệp sản xuất, các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động bình thường nhưng phải thực hiện nghiêm quy định trong phòng chống dịch.

Ông chỉ đạo ngành y tế tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm trên diện rộng toàn TP. Trước mắt triển khai lấy mẫu ngay tất cả đơn vị bầu cử, tổ công tác bầu cử ở những nơi có các thành viên Hội thánh truyền giáo Phục hưng tham gia bầu cử.

Tuy nhiên, lực lượng của ngành y tế sẽ không đủ, vì vậy, ông mong muốn Trường ĐH Y Dược TP.HCM và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp cùng HCDC tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. “Cố gắng một ngày lấy ít nhất 50.000 mẫu xét nghiệm. Các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao lấy mẫu xét nghiệm tất cả công nhân” - ông Phong nói.

Đối với Sở Công Thương, Sở Du lịch và Sở LĐ-TB&XH, ông Phong yêu cầu nắm chắc những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp sản xuất nhỏ để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ theo gói hỗ trợ thứ hai.

Với người dân TP.HCM, ông Phong đề nghị tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, thực hiện khai báo y tế tự nguyện, thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình, tham gia có trách nhiệm với cộng đồng trong phòng chống dịch, tham gia với các cơ quan phòng chống dịch.

 

Xem thêm: lmth.699889-iad-ual-hci-iol-ev-oab-ed-naut-2-hnis-yh-nahn-pahc-mchpt/us-ioht/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“TP.HCM: Chấp nhận hy sinh 2 tuần để bảo vệ lợi ích lâu dài”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools