Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình tổ chức thông tin đến người dân về các chính sách của bảo hiểm xã hội, mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh: VŨ THỦY
Đây là chia sẻ của ông Trần Hải Nam - phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) tại Hội nghị tập huấn về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tại Quảng Bình ngày 1-6.
"Mục tiêu của chính sách bảo hiểm xã hội là mong muốn người lao động tham gia quỹ bảo hiểm xã hội và tích lũy đến khi về hưu, được hưởng quyền lợi tối ưu. Đây là mong muốn có tính bền vững về lâu dài.
Tuy nhiên trường hợp người dân có mong muốn nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì cơ quan bảo hiểm cũng tạo điều kiện tối đa để giải quyết cho người dân, cũng là bảo đảm quyền lợi của người dân", ông nêu quan điểm.
Do đó theo ông, không có chuyện "làm khó" người dân khi họ có yêu cầu làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Hơn nữa, "nếu quá tải thì bảo hiểm xã hội cần tăng cường nhân lực để giải quyết kịp thời cho người dân".
Ông Nam cho rằng việc tăng số người rút bảo hiểm xã hội một lần thời điểm đầu năm 2022 không phải là hiện tượng bất thường diễn ra gần đây, mà thực tế nhiều năm qua số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm sau đều cao hơn năm trước.
Giai đoạn 2016-2021, Bảo hiểm xã hội đã giải quyết cho gần 4,6 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số người rút bảo hiểm xã hội một lần hằng năm tăng trung bình hơn 3%.
"Quý 1-2022 thì tỉ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần trên cả nước chỉ tăng 1% so với cùng kỳ 2021. Tỉ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần ở TP.HCM quý 1-2022 tăng 19% có thể lý giải bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhiều người về quê do giãn cách xã hội trong thời gian trước đó không làm thủ tục được, nên số người làm thủ tục dồn lại tại thời điểm sau Tết khi họ trở lại thành phố", ông Nam lý giải.
Nhiều ý kiến tại tập huấn cũng nêu trường hợp có người dân đã rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng mong muốn hoàn trả để tiếp tục đóng đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Về vấn đề này, ông Trần Hải Nam cho biết chính sách hiện tại chưa có quy định để người lao động hoàn trả.
Tuy nhiên về lâu dài, cơ quan soạn thảo luật cũng sẽ cân nhắc về việc liệu có nên quy định một khoảng thời gian nhất định để người dân có nguyện vọng hoàn trả có thể hoàn trả khoản tiền đã rút để bảo lưu và tiếp tục đóng đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Đồng thời ông cũng cho biết sắp tới trong định hướng sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội cũng sẽ tiến tới mở rộng hơn các điều kiện thụ hưởng lương hưu (tuổi, thời gian đóng), để người lao động có thêm lựa chọn cũng như có thêm động lực để tham gia bảo hiểm xã hội đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
"Thời gian đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hiện nay (thông thường là 20 năm) đang được đánh giá là dài. Đây cũng được xem là một trong những lý do khiến người lao động quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần.
Việc sửa đổi luật sẽ hướng tới giảm thiểu từng bước điều kiện về thời gian đóng để nhiều người có cơ hội tích lũy để hưởng chế độ lương hưu hằng tháng, có thể giảm từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm", ông Nam nói.
Hơn 16,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội
Thông tin tại hội nghị tập huấn, ông Đào Việt Ánh - phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - cho biết số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục tăng trưởng mạnh qua các năm.
Tính đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 16,5 triệu người, đạt 33,7% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
Trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,4 triệu người (đạt 2,9% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 1,9% chỉ tiêu được giao. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 88,8 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 91% dân số, cơ bản đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
TTO - Thông tin tăng mức đóng bảo hiểm y tế đến cùng những thông tin xung quanh việc chi trả cho các dịch vụ xét nghiệm tại các bệnh viện. Những thay đổi về luật quanh chuyện này cần linh hoạt và thuận lợi hơn cho người đóng bảo hiểm y tế.
Xem thêm: mth.56315814110602202-1-yuq-gnort-91-gnat-mch-pt-o-nal-tom-ioh-ax-meih-oab-tur-el-it/nv.ertiout