Trong những năm 1970, các quốc gia Ả Rập đã sử dụng "vũ khí dầu mỏ" để trừng phạt các chính phủ phương Tây vì đã hỗ trợ Israel. Vào ngày 30/5, đến lượt Liên minh châu Âu dùng vũ khí này như một phần của vòng trừng phạt mới nhất của họ nhằm vào Nga.
"Thống nhất cấm nhập khẩu dầu Nga vào Liên minh châu Âu (EU). Điều này sẽ lập tức có hiệu lực với hai phần ba lượng nhập khẩu dầu từ Nga, cắt đứt nguồn tài chính khổng lồ cho cỗ máy chiến tranh của họ. Gây áp lực tối đa lên Nga để kết thúc xung đột", Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel viết trên Twitter đêm 30/5 sau cuộc họp thượng đỉnh của EC tại Brussels, Bỉ.
Cụ thể, EU quyết định sẽ cấm mua dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga, chẳng hạn như dầu diesel, vào cuối năm nay. EU cho biết sẽ có một sự miễn trừ "tạm thời" với dầu được vận chuyển qua đường ống. Giá dầu Brent đã tăng trên 120 USD mỗi thùng sau thông tin trên - mức cao nhất kể từ tháng 3 - trước khi hạ nhiệt nhẹ về quanh mức 117 USD mỗi thùng.
Về nguyên tắc, quyết định này rất có ý nghĩa. Ngoài việc là một minh chứng cho sự đoàn kết và sự sẵn sàng chịu đựng tổn thất kinh tế để trừng phạt Nga, EU cũng xem như cắt đứt một trong số ít các quan hệ thương mại còn lại với Điện Kremlin. EU vốn mua khoảng một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga - một trong những nguồn thu nhập ngoại tệ sinh lợi nhất của nước này.
Tuy nhiên, có nhiều lý do để hoài nghi rằng động thái này sẽ làm Nga mất ngoại tệ đến mức nào. Đầu tiên, lệnh cấm chỉ áp dụng với dầu vận chuyển bằng đường biển. Đó là cái giá phải trả của sự thống nhất. Việc loại trừ dầu vận chuyển bằng đường ống là cần thiết để đạt được thỏa hiệp với Hungary, quốc gia vừa có thiện cảm với Nga hơn hầu hết các nước EU, vừa phụ thuộc rất nhiều vào đường ống Druzhba từ thời Liên Xô. Hungary nhập khẩu khoảng 65% lượng dầu thô từ Nga.
Do vậy, lệnh cấm có thể sẽ có tác động hạn chế đến thị trường dầu mỏ và có thể không tạo ra quá nhiều biến động. Bởi lẽ, các tàu chở dầu trước đó đã từ chối chở hàng cho Nga vì lo lắng bị ảnh hưởng đến uy tín. Đồng thời, các nhà tài chính phương Tây cũng đã từ chối cấp bảo hiểm cho các hợp đồng vận chuyển dầu Nga. Các công ty bảo hiểm hàng hải có trụ sở tại các đồng minh của Nga có thể thay thế một phần, nhưng họ có năng lực tài chính hạn chế hơn nhiều.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu dầu thô của Nga, một khi bị trừng phạt, có bán được không. Cho đến nay, xuất khẩu dầu của Nga đã tăng lên mức hơn trước khi bị trừng phạt. Theo các nhà phân tích tại ngân hàng JPMorgan Chase, phần lớn xuất khẩu dầu thô của Nga được chuyển đến Ấn Độ, quốc gia không ban hành các biện pháp trừng phạt.
Pavel Molchanov, nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Raymond James (Mỹ), cho rằng vì EU chỉ cấm dầu Nga giao bằng tàu nên ít nhất hiện tại thị trường toàn cầu có thể điều chỉnh bằng cách định tuyến lại các chuyến hàng đường biển.
Theo đó, thay vì vận chuyển dầu sang các nước châu Âu, Nga sẽ đẩy mạnh các chuyến hàng sang các thị trường khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, các quốc gia đó sẽ mua ít dầu hơn từ Trung Đông, dẫn đến dầu khu vực này sẽ chảy về châu Âu nhiều hơn. Cuối cùng, đâu lại vào đấy hoặc gần như về như nguồn cung ban đầu, chỉ khác về dòng chảy.
Một câu hỏi khác là liệu châu Âu cuối cùng có cấm dầu đường ống của Nga hay không. Ba Lan và Đức dự định ngừng nhập khẩu qua đường ống Druzhba. Tuy nhiên, khó có khả năng Hungary đồng ý. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã thể hiện sự sẵn sàng ngăn chặn các quyết định của EU. Nhờ dầu Urals của Nga giảm giá mạnh đáng kể so với Brent mà Mol - một tập đoàn dầu của Hungary - báo cáo biên lợi nhuận tăng vọt.
Nhưng lệnh cấm vận của EU chỉ là một phần nguyên nhân khiến giá dầu tăng vọt. Vấn đề cơ bản là nguồn cung thị trường vốn đang thắt chặt. Nhu cầu về nhiên liệu tăng mạnh khi đại dịch giảm xuống, với người tiêu dùng bắt đầu lái xe và bay trở lại. Việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế chống dịch trong những ngày gần đây cũng làm tăng thêm cơn khát dầu.
Trong khi đó, OPEC và các đồng minh bao gồm Nga (OPEC+) ít có dấu hiệu muốn tăng sản lượng. Tại cuộc họp vào ngày 2/6, OPEC+ dự kiến không công bố bất kỳ thay đổi nào với kế hoạch tăng dần nguồn cung lên mức trước đại dịch.
Kết hợp giữa nguồn cung eo hẹp và nhu cầu tăng lên, dẫn đến kết quả người tiêu dùng chịu giá cả cao hơn. Tệ hơn nữa, tình trạng thiếu công suất nhà máy lọc dầu ở Mỹ đã khiến giá xăng và dầu diesel tăng mạnh. Francisco Blanch, Trưởng nghiên cứu hàng hóa và sản phẩm phái sinh của Bank of America Global Research, còn chỉ ra rằng đồng USD mạnh lên cũng làm tăng thêm chi phí cho châu Âu và các thị trường mới nổi.
Nhìn chung, không có gì trong số này là tin tức đáng hoan nghênh trong một môi trường đã lạm phát. Theo các số liệu được công bố vào ngày 31/5, lạm phát ở khu vực đồng euro tháng 5 đã tăng lên 8,1%, cao hơn dự kiến của các nhà kinh tế.
Các lệnh cấm vận của Ả Rập trong những năm 1970 đã gây ra nỗi đau ngắn hạn cho phương Tây, nhưng cũng thúc đẩy động lực tiết kiệm nhiên liệu khiến họ cuối cùng giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Các chính phủ châu Âu ngày nay cũng có thể hy vọng rằng nỗi đau ngắn hạn đối với người tiêu dùng xứng đáng với lợi ích lâu dài về an ninh năng lượng.
Phiên An (theo The Economist, Washington Post)