Theo Tổng công ty Cảng hàng không (CHK) Việt Nam (ACV - nhà đầu tư, khai thác 21 sân bay quốc tế và nội địa tại Việt Nam), thời gian qua tài sản, hành lý khách để quên, đánh rơi tại CHK rất nhiều, đặc biệt tại các CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng. Số tài sản, hành lý này không thuộc phạm vi của hải quan và các hãng hàng không.
Khu vực soi chiếu khách thường quên đồ
Theo tìm hiểu của PV, trong 22 sân bay của cả nước, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất hằng tuần đều cập nhật thông tin tài sản, hành lý bị để quên tại sân bay. Địa điểm khách thường để quên là khu vực soi chiếu an ninh ga quốc nội và quốc tế, khu vực an ninh trật tự. Số liệu cập nhật gần nhất, từ ngày 23 đến 29-5, có 32 tài sản và hành lý bị bỏ quên tại CHK đông đúc nhất nước. Trong đó, khách quên nhiều nhất là đồng hồ, điện thoại, valy, ví, mắt kiếng, tai nghe, thậm chí cả tiền.
Thêm một kênh tìm kiếm
hành lý thất lạc tại CHK quốc tế
Nội Bài
Khi bị thất lạc tài sản tại sân bay, hành khách có thể gọi điện cho phòng hành lý thất lạc theo số hotline 0983774546 hoặc gửi mail đến địa chỉ: taisanboquen@gmail.com, nhân viên trực 24/7 sẽ hỗ trợ tra cứu ban đầu và hướng dẫn các bước tiếp theo.
Bên cạnh đó, hành khách có thể tự tra cứu tại website http://bags.noibaiairport.vn/. Toàn bộ hành lý thất lạc nhận bàn giao trong ngày đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử, giúp hành khách dễ dàng tìm kiếm.
L.THY (Theo CHK quốc tế Nội Bài)
Phía CHK quốc tế Tân Sơn Nhất thông báo trong vòng bảy ngày, kể từ ngày công bố trên trang thông tin điện tử của cảng, nếu không có người nhận, nơi này sẽ bàn giao tài sản bỏ quên cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
ACV đánh giá với số tài sản, hành lý bỏ quên nhiều, do chưa xác định được chủ sở hữu nên các sân bay phải bố trí diện tích để lưu giữ, đồng thời các sân bay chưa có đầu mối thống nhất để lưu giữ số tài sản khách để quên. Chẳng hạn tại sân bay Nội Bài thì giao cho Trung tâm An ninh hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất do Trung tâm khai thác ga quản lý.
Do đó, ACV đã xây dựng phương án xử lý tài sản, hành lý khách bỏ quên, đánh rơi tại các sân bay trên cả nước. ACV cân nhắc phương án xử lý tài sản không xác định chủ sở hữu nhằm ngăn chặn gian lận thương mại, thất thoát tài sản, đồng thời thống nhất, chặt chẽ tuân thủ các quy định pháp luật và tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, lưu giữ tài sản, hành lý quá lâu ngày tại các sân bay gây lãng phí.
Hành lý để quên xử lý ra sao?
Cụ thể, khi tiếp nhận thông tin ban đầu, cán bộ, nhân viên các đơn vị hoạt động tại CHK thông báo cho lực an ninh hàng không (ANHK). Tiếp đó, lực lượng ANHK tiếp nhận thông tin và xử lý bước đầu để hoàn tất các quy trình kiểm tra an ninh liên quan nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản, đồ vật bị đánh rơi, để quên. Sau đó, ANHK bàn giao cho đơn vị chủ trì xử lý.
Đối với CHK cấp 1 do Trung tâm Khai thác ga chủ trì; đối với CHK cấp 2 do Văn phòng CHK hoặc đội/phòng phục vụ bay hoặc đội/phòng phục vụ hành khách chủ trì xử lý.
Tài sản, hành lý khách để quên tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: P.ĐIỀN |
Đơn vị chủ trì xử lý có trách nhiệm xây dựng phân loại lưu giữ, bảo quản tài sản tại các cảng trong thời gian tối đa bảy ngày làm việc. Đối với tài sản, hành lý để quên là đồ vật dễ hư hỏng, phân hủy trong thời gian ngắn như thực phẩm, đồ ăn, đồ tươi sống thì không áp dụng thời gian lưu giữ này. Trong thời gian lưu giữ tại CHK, đơn vị chủ trì chủ động đăng tải thông tin các tài sản, hành lý bị đánh rơi, bỏ quên lên website của CHK. Đồng thời phối hợp với các đơn vị phục vụ mặt đất, các hãng hàng không liên quan tại cảng, sân bay để cung cấp thông tin kịp thời đến hành khách.
Sau bảy ngày làm việc, đơn vị chủ trì xử lý lập biên bản chuyển giao những tài sản, hành lý bỏ quên cho UBND xã, phường hoặc đồn công an để tiếp tục xử lý theo quy định.
Ai quản hành lý để quên?
Vậy thực tế các CHK đã xử lý tài sản, hành lý để quên như thế nào? Lãnh đạo một số CHK nội địa ở miền Trung cho biết so với các CHK quốc tế, số tài sản, hành lý khách để quên ít hơn và không có giá trị cao, chủ yếu là đồ dùng cá nhân. Số tài sản này được bàn giao cho UBND quận/huyện trên địa bàn theo dạng vật không xác định chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc bàn giao còn lúng túng, khâu quản lý tài sản chưa chuyên nghiệp, chưa kể công tác đấu giá để làm từ thiện chưa thực hiện tốt.
Trao đổi với PV, Giám đốc CHK quốc tế Vân Đồn Phạm Ngọc Sáu thông tin số tài sản, hành lý để quên tại cảng không nhiều, trong đó những tài sản có giá trị cao khách thường liên hệ để nhận lại. “Việc lưu giữ tài sản, hành lý khách để quên và trả lại cho khách mang lại hình ảnh đẹp, thân thiện tại sân bay” - ông Sáu chia sẻ.
Vị lãnh đạo sân bay cho biết khi tiếp nhận để đảm bảo an ninh, an toàn sau một thời gian sẽ tiêu hủy chứ không đấu giá vì đa số vật để quên không có nhiều giá trị như dao kéo, vật nhọn... Ông Sáu lưu ý nếu tổ chức thanh lý, đấu giá là không chặt chẽ, sẽ phát sinh tiêu cực.
Một đại diện của ACV thông tin thêm với những tài sản, hành lý không ai nhận thì sau một năm sẽ tiến hành thanh lý, đấu giá.•
Các hãng bay lưu giữ hành lý thất lạc 90 ngày
Hiện tại, các sân bay đều phải có khu vực riêng biệt để quản lý hành lý thất lạc. Mỗi hành lý bị thất lạc đều phải trải qua công đoạn soi chiếu, kiểm tra an ninh, niêm phong để đảm bảo tài sản không mất mát và được lưu hồ sơ.
Các hãng hàng không trên thế giới và các hãng hàng không Việt Nam thường lưu giữ hành lý ký gửi thất lạc trong 90 ngày. Sau thời hạn này nếu không có người nhận, các hãng bay toàn quyền quyết định với số hành lý trên.
Còn tại các sân bay lớn thường do các hãng quản lý tài sản, sau đó đấu giá. Các cuộc đấu giá thu hút đông đảo tín đồ săn đồ hiệu có giá trị như đồng hồ, nhẫn, túi xách.