Với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, VN-Index vẫn tăng 0,2%. Trong tuần chỉ số đã có 2 phiên kiểm định ngưỡng 1.300 điểm vào các ngày 1 và 2/6, tuy nhiên các lần kiểm định này chỉ số đều không thể duy trì ngưỡng 1.300 đến cuối phiên.
Giới phân tích nhận định, ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm đang là thử thách với chỉ số VN- Index, khi chỉ số này giảm 2 phiên cuối tuần và chưa vượt thoát khỏi ngưỡng cản này.
Cần vượt ngưỡng 1.300 điểm để xác nhận xu hướng tăng
Chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định sau nhịp hồi phục, VN-Index đang có trạng thái ngắn hạn là đi ngang, để trở lại xu hướng tăng, chỉ số này cần vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm.
Hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số đang là 2 mốc 1.270 điểm và 1.257 điểm. VN-Index đang có mức P/E (Hệ số giữa thị giá một cổ phiếu và thu nhập mà nó mang lại) là 13,9 lần. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức trung tính.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường chốt phiên cuối tuần giảm điểm nhưng vẫn là tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Xét về mặt dòng tiền thì nhịp hồi cuối phiên và việc thị trường có thể hấp thụ lớn hơn lượng hàng T+3 về tài khoản là mặt tích cực. Rủi ro lúc này là ở thị trường quốc tế trong bối cảnh thị trường trong nước đang duy trì chuỗi tăng kéo dài.
Việc thị trường có điều chỉnh cũng là điều dễ hiểu sau chuỗi tăng vừa qua và nếu tiếp tục duy trì được mức tương quan thấp so với thị trường quốc tế, tác động từ thị trường quốc tế là không đáng ngại, MBS nhận định.
Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 30/5 - 3/6, VN-Index tăng 0,2% lên 1.287,98 điểm, HNX-Index giảm 0,2% xuống 310,48 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 6,6% so với tuần trước đó với 78.029 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giảm 3,2% xuống 2.798 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 16% so với tuần trước đó, đạt 10.253 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng tăng 3,7% lên 420 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất trong tuần qua với 9,4% giá trị vốn hóa nhờ đà tăng mạnh của trụ cột cổ phiếu điện, nước, xăng dầu, khí đốt như: REE tăng 3,8%, TDM tăng 8,9%, BWE tăng 10,2%, GAS tăng 12,9%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức tăng 3,9% giá trị vốn hóa nhờ hưởng lợi từ diễn biến giá dầu tăng mạnh. Cụ thể, BSR tăng 15,9%, PVS tăng 10,6%, PVC tăng 10,2%, PVB tăng 6,4%, PVD tăng 4,1%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,6% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tăng mạnh trong nhóm này như: MWG tăng 4,4%, FRT tăng 2,6%, DGW tăng 1,4%...
Nhóm công nghệ thông tin cũng tăng 1,3% giá trị vốn hóa; trong đó, cổ phiếu tiêu biểu là FPT tăng 2%. Ngành công nghiệp cũng tăng 0,8% giá trị vốn hóa, hàng tiêu dùng tăng 0,7%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu dược phẩm và y tế mất 1,7% giá trị vốn hóa, ngân hàng giảm 1,6%, tài chính giảm 0,6%, nguyên vật liệu giảm 0,3%.
Khối ngoại mua ròng trên hai sàn với giá trị ròng 2.082,17 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng ròng 43,83 triệu cổ phiếu.
Xét theo khối lượng ròng, FUEVFVND là mã được mua ròng nhiều nhất với 47,6 triệu chứng chỉ quỹ.
Tiếp theo là CTG với 4,8 triệu cổ phiếu và HDB với 4,7 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, E1VFVN30 là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 8,4 triệu chứng chỉ quỹ.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở từ 9 đến 14 điểm cho thấy các nhà giao dịch vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể sớm điều chỉnh trở lại.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, thị trường tuần qua gần như đi ngang sau 2 tuần phục hồi liên tiếp cho thấy đợt hồi phục này khá mạnh và tin cậy, khối lượng giao dịch tuần này vẫn đang ở mức thấp nhưng ổn định trong suốt 3 tuần qua.
Tuy nhiên, với việc VN-Index tiệm cận ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm và sau 2 tuần tăng điểm liên tiếp, rất có thể thị trường sẽ đối diện với khả năng điều chỉnh. Thực tế, thị trường đã có 2 phiên cuối tuần giảm điểm, nhịp điều chỉnh (nếu có) không mang nhiều tính chất tiêu cực mà sẽ tạo cơ hội để thị trường tích lũy lại trước khi có những động thái tích cực hơn.
Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật đang có sự ủng hộ cho xu hướng hồi phục của thị trường, với việc chỉ số VN-Index đã bật thoát xa ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm và gần như chạm ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm, là mốc đầu tiên sóng hồi phục đang hướng tới.
Tuy nhiên, ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm đang thử thách chỉ số VN-Index khi thị trường đã giảm 2 phiên cuối tuần qua và chưa vượt thoát khỏi ngưỡng cản này và rất có thể thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh tất yếu, cần thiết để tích lũy thêm trước khi có đợt tăng giá mới nhằm tiếp tục vượt lên.
Theo SHS, thị trường đã hồi phục mạnh từ đáy nhưng định giá vẫn đang ở mức hấp dẫn khi P/E thị trường vẫn chỉ quanh 14 lần, nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn đang có định giá hấp dẫn. Đợt điều chỉnh đang diễn ra sẽ là cơ hội để nhà đầu tư dài hạn gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Với đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quý I khá ấn tượng thì mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại vẫn đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư dài hạn. Tuy nhiên nhà đầu tư có thể chờ đợi cơ hội giải ngân ở các nhịp điều chỉnh của thị trường.
Chứng khoán thế giới đi xuống
Chứng khoán Việt Nam gần như đi ngang, trong bối cảnh cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều giảm điểm trong tuần qua.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 3/6, khiến cả ba chỉ số chính đều giảm trong cả tuần qua, sau khi số liệu việc làm tốt hơn dự đoán trong tháng Năm đã củng cố những đồn đoán về các đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong những tháng tới.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1%, xuống 32.899,70 điểm, qua đó kết thúc tuần qua với mức giảm 0,9%. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 1,6%, xuống 4.108,54 điểm, đánh dấu mức giảm 1,2% cho cả tuần. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng để mất 2,5% xuống 12.012,73 điểm, kết thúc tuần qua với mức giảm 1%.
Số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 390.000 việc làm trong tháng Năm, cao hơn dự đoán tăng 328.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định ở mức 3,6% trong tháng trước và mức tăng trưởng tiền lượng đã giảm từ 5,5% trong tháng trước đó xuống 5,2%.
Ông Matt Peron, Giám đốc nghiên cứu của Công ty quản lý đầu tư Janus Henderson Investors (Vương quốc Anh) cho rằng, dù đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát đang đạt đỉnh, nhưng mức tăng tiền lương này vẫn còn quá cao. Vì thế, khả năng FED nâng lãi suất sẽ vẫn là "cơn gió ngược" đối với thị trường.
Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Lael Brainard tiếp tục bày tỏ thái độ cứng rắn trong vấn đề lạm phát, khi cho biết Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất đến hết tháng Chín.
Trước đó, sau kỳ nghỉ lễ từ cuối tuần trước kéo dài đến hết ngày 30/5, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm hai phiên liên tiếp 31/5 và 1/6, giữa bối cảnh tâm lý lo lắng của giới đầu tư về lạm phát, kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và niềm tin người tiêu dùng suy yếu, đã ngăn thị trường kéo dài đà tăng của tuần trước.
Sau đó, Phố Wall đã đảo chiều tăng điểm trong phiên 2/6 trước khi số liệu việc làm được công bố, trong bối cảnh thị trường đang quan tâm đến tác động của lạm phát và chính sách tiền tệ.
Chuyên gia Brad Bechtel thuộc ngân hàng đầu tư Jefferies của Mỹ nhận định thị trường cổ phiếu đã có mức tăng hiếm hoi trong tuần trước song lại ở trong trạng thái phòng thủ trong tuần này.
Theo ông Bechtel, thị trường sẽ dao động qua lại trong vài tháng tới cho đến khi nhà đầu tư có được một số bằng chứng chắc chắn cho thấy lạm phát đang giảm xuống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!