Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa kết thúc chuyến công du dài ngày đến Nam Thái Bình Dương. Ông Vương Nghị đã gặp ngoại trưởng 10 quốc đảo Thái Bình Dương để tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước trong khu vực.
Tuy nhiên chuyến thăm thứ hai tới khu vực của một bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc (sau chuyến thăm của ông Lý Triệu Tinh năm 2006) đã kết thúc không được như ý.
Trung Quốc muốn gì từ các quốc đảo nam Thái Bình Dương và tại sao nước này lại thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến khu vực này như vậy?
Hai điều Trung Quốc mong muốn ở nam Thái Bình Dương
Trong một bài viết trên kênh Channel News Asia, ông Denghua Zhang (Tạm dịch: Trương Đồng Hoa) - nghiên cứu viên tại ĐH Quốc gia Úc nhận định trên rằng Trung Quốc đang tìm kiếm hai điều từ các quốc đảo nam Thái Bình Dương - một ở lĩnh vực ngoại giao và một mang tính chiến lược.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Tổng thống Fiji Ratu Williame Katnivere (phải) ở Suva (Fiji) ngày 30-5. Ảnh: AP |
Trên lĩnh vực ngoại giao, các đảo quốc Thái Bình Dương dù hầu hết rất nhỏ nhưng lá phiếu của họ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) bình đẳng với những nước lớn. Và Bắc Kinh cần sự ủng hộ từ những lá phiếu đó cho các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, HongKong, biển Hoa Đông, Biển Đông, và nhân quyền.
Điển hình, trong chuyến thăm vừa qua của ông Vương Nghị, các nhà lãnh đạo nam Thái Bình Dương đã cam kết ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc".
Về mặt chiến lược, Trung Quốc coi các quốc đảo Thái Bình Dương là mục tiêu “hợp tác Nam-Nam” – tức quan hệ đối tác giữa các nước đang phát triển. Theo nghĩa này, chuyến thăm nam Thái Bình Dương của ông Vương Nghị được thúc đẩy từ sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt gần đây giữa Trung Quốc và các cường quốc truyền thống do Mỹ lãnh đạo.
Về lâu dài, các đảo quốc ở Thái Bình Dương có ý nghĩa an ninh rất lớn đối với Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc, nhất là lực lượng hải quân, rất muốn phá vỡ "chuỗi đảo" mà nước này cho là Mỹ và các đồng minh đang sử dụng để bao vây mình.
Đó là lý do các cường quốc truyền thống tỏ ra lo lắng trước hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon - bất chấp việc Bắc Kinh và Honiara nói rõ rằng Trung Quốc sẽ không thiết lập căn cứ quân sự ở Solomon.
Chưa thuyết phục được, nhưng Trung Quốc sẽ không từ bỏ
Trong chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Vương Nghị, Trung Quốc đã đề xuất hai hiệp định với 10 nước đối tác ở nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị gác lại do thiếu sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo nam Thái Bình Dương về bản chất của các hiệp định và những tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với an ninh khu vực.
Trước chuyến thăm của ông Vương Nghị, Tổng thống Liên bang Micronesia - ông David Panuelo đã viết thư gởi các nhà lãnh đạo của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ ở nam Thái Bình Dương cảnh báo rằng việc ký kết các thỏa thuận này có thể kéo các quốc đảo Thái Bình Dương vào xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai.
Đây có thể xem là một bước lùi rõ ràng đối với Trung Quốc. Điều này có thể khiến Trung Quốc bất ngờ, bởi năm 2019, Tổng thống Panuelo đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc và ca ngợi mối quan hệ của đất nước ông với Trung Quốc là “tình hữu nghị tuyệt vời được nâng lên một tầm cao mới”.
Như một giải pháp tối ưu, Trung Quốc nhanh chóng biến hai thỏa thuận thành một.
Điểm khác biệt chính là trong thoả thuận mới, Trung Quốc chỉ nêu ngắn gọn về sẵn sàng hợp tác với các quốc đảo nam Thái Bình Dương để thúc đẩy an ninh khu vực, chống tội phạm xuyên quốc gia và giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Trong khi đó, ở hai thỏa thuận ban đầu có nhiều chi tiết về hợp tác an ninh, chẳng hạn như cung cấp đào tạo cảnh sát cho khu vực và tăng cường hợp tác về an ninh mạng.
Ông Henry Puna (thứ hai bên phải) - Tổng thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (thứ ba bên trái) tại Suva (Fiji). Ảnh: AFP/GETTY IMAGES |
Rõ ràng Trung Quốc đã học được cách hạ thấp yêu cầu hợp tác với các quốc đảo nam Thái Bình Dương, một khu vực ngày càng nhạy cảm trong bối cảnh cạnh tranh.
Ông Trương Đồng Hoa nhận định rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước trong cuộc cạnh tranh với các cường quốc truyền thống. Trong tương lai gần, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thận trọng hơn, tập trung vào hợp tác với khu vực trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp và cứu trợ thiên tai.
Trung Quốc sẽ vận động để chắc chắn có thêm sự hỗ trợ từ các quốc đảo nam Thái Bình Dương trước khi sẵn sàng giới thiệu rộng rãi lại các thỏa thuận và đề nghị ký kết.