Thị trường chứng khoán trong tuần vừa rồi (30/5-3/6) diễn biến ổn định, các chỉ số dao động dạng tích lũy nhưng chưa thể bứt phá khỏi ngưỡng cản cứng 1.300 điểm, dòng tiền vào chứng khoán cũng được duy trì tốt.
VN-Index có tuần hồi phục thứ ba liên tiếp khi tăng 2,53 điểm, tương ứng 0,2% lên gần 1.288 điểm. Trong khi HNX-Index giảm nhẹ 0,69 điểm, tương ứng 0,22% xuống 310,48 điểm và UPCoM-Index cũng giảm 1,12 điểm, tương ứng 1,18% về 94,17 điểm.
Thanh khoản thị trường ổn định và có chiều hướng nhích lên với tổng giá trị khớp lệnh bình quân tăng hơn 8% đạt 18.727 tỷ đồng/phiên. Trong đó giá trị khớp lệnh bình quân riêng sàn HoSE chỉ tăng 2% lên mức 16.321 tỷ đồng/phiên.
Bước sang tuần mới, phiên giao dịch đầu tuần ngày 6/6 các chỉ số biến động giằng co trước sự phân hóa mạnh. Ngay khi kết tiên ATO, các mã vốn hóa lớn như MSN, VHM, VJC, VCB… giảm điểm khiến các chỉ số lùi xuống tham chiếu. Ở chiều ngược lại, các mã như PNJ, HPG, MWG, SAB, FPT... đồng loạt tăng và giúp nâng đỡ thị trường. Thị trường giằng co giữa các mã và chưa xác định xu hướng đi lên.
Thị trường bắt đầu bứt phá tăng hơn 1 điểm sau hơn 30 phút giao dịch nhờ các nhóm dầu khí, nhóm năng lượng… Thị trường tiếp tục biến động tích cực và kết phiên sáng tăng hơn 10 điểm.
Thị trường phiên chiều tiếp tục tăng mạnh, có thời điểm tăng tới 13 điểm xong lại gặp áp lực bán mạnh ở các mã xây dựng, bất động sản như DXG, HBC, DIG, CII, SJF, HU1… Những mã này nằm sàn gây tác động xấu tới chỉ số.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index chỉ còn tăng 2,03 điểm, tương ứng 0,16% lên 1.290,01 điểm. Toàn sàn có 141 mã tăng, 315 mã giảm và 53 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,67 điểm, tương ứng 1,18% xuống 306,81 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 116 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,27 điểm, tương ứng 0,29% xuống 93,9 điểm.
Chỉ số đại diện nhóm VN30 giảm 0,36 điểm, tương ứng 0,03%. Nhóm này có tới 16 mã giảm giá và chỉ có 11 mã ghi nhận sắc xanh.
Tất cả các mã chứng khoán thuộc "họ FLC" giảm sàn. Nguyên nhân dẫn đến kết quả từ việc liên quan vụ án tại tập đoàn FLC, theo kết quả điều tra ban đầu của Bộ Công An, từ ngày 1/9-10/1/2019, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) mượn chứng minh thư nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán FLC và thu lợi bất chính, theo dự tính ban đầu là 975 tỷ đồng.
GAS là mã tác động tích cực nhất tới thị trường chứng khoán khi tăng tới 4,5% và thiết lập đỉnh lịch sử mới 129.900 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu nhóm dầu khí khác cũng diễn biến tích cực với sắc xanh lan tỏa lại BSR, OIL, PLX, PTV, PVB, PVC, PVS…
VCB, đại diện nhóm ngân hàng có tác động tích cực thứ 2 tới thị trường chứng khoán phiên ngày 6/6. Nhóm ngân hàng chỉ có vài mã ghi nhận sắc xanh là BAB, KLB, MSB… Còn lại đều chìm trong sắc đỏ như MBB, OCB, SHB, TCB, VPB, TPB… Nhóm này tuần vừa qua đã diễn biến xấu và hiện vẫn chưa lấy lại các mốc đã mất thời gian vừa qua.
Cổ phiếu nhóm Vingroup ghi nhận sắc đỏ. Trong đó VIC nằm trong nhóm biến động xấu tới thị trường khi giảm xuống 78.500 đồng/cổ phiếu. VHM giảm xuống còn 69.300 đồng/cổ phiếu.
Khối ngoại giải ngân 2.078 tỷ đồng phiên ngày 6/6 nhưng bán ra 2.024 tỷ đồng. Tính chung khối ngoại mua ròng hơn 54 tỷ đồng. DPM là mã được mua mạnh nhất hơn 200 tỷ đồng. DCM được mua hơn 100 tỷ đồng. Một vài mã cũng được mua mạnh có thể kể đến như MSN, CTG, VHM… Một vài mã bị bán mạnh là HPG hơn 100 tỷ đồng, GMD 80 tỷ đồng…
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 18.570 tỷ đồng, tăng 32%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 30,6% lên 15.299 tỷ đồng.