Những cuốn vở "quốc dân"
Thế hệ 7x, 8x đời đầu thời đi học hẳn không ai là không biết đến thương hiệu giấy Bãi Bằng. Những quyển vở Bãi Bằng với trang bìa có hình ảnh cậu bé cưỡi trâu đã từng là vật phẩm quen thuộc của các cô cậu nhóc thời đó.
Thế hệ sau này có lẽ không còn nghe nhiều đến nhà máy giấy Bãi Bằng nhưng 20-30 trước, nơi đây từng là một huyền thoại. Nhà máy này đặt tại Thị trấn Phong Châu, Huyện Phù Ninh, Tỉnh Phú Thọ, chính là “trái tim” của Tổng Công ty Giấy Việt Nam
Một bài báo trên Vnexpress đã mô tả như thế này "Trong thập kỷ 90, chỉ cần thấy ai lái xe đạp Mifa trên đất Phú Thọ, người ta biết ngay đấy là công nhân của Bãi Bằng. Lương tháng công nhân trung bình 4 chỉ vàng, cao nhất miền Bắc.
"Cả miền Bắc Việt Nam khi ấy làm gì có vũ trường. Bãi Bằng có vũ trường", ông Trần Ngọc Quế, nguyên Tổng giám đốc công ty hồi tưởng.
Một nhà máy điện được xây dựng riêng cho Bãi Bằng, sau sản xuất và sinh hoạt còn thừa điện để hòa vào lưới quốc gia. Một "thành phố Bãi Bằng" được xây dựng phục vụ riêng cho công nhân.
Công nhân Bãi Bằng ngày vào xưởng giấy, gửi con nhỏ ở mầm non Bãi Bằng, con lớn ở tiểu học Bãi Bằng, tan làm đi bơi ở bể bơi Bãi Bằng, đánh tennis, bóng chuyền ở sân vận động Bãi Bằng, và tối ngủ ở căn hộ có sân vườn. Khi đau ốm thì khám bệnh ở trạm y tế có bác sĩ người Thụy Điển."
Cùng nhìn lại hành trình ra đời của nhà máy "huyền thoại" này:
Thời kỳ đỉnh cao, Bãi Bằng đã xuất khẩu 100.000 tấn răm mảnh nguyên liệu giấy và 14.000 tấn giấy thành phẩm với tổng kim ngạch 20 triệu USD, đưa tổng doanh thu cả năm 2005 của Công ty đạt trên 1.500 tỷ, nộp ngân sách 60 tỷ đồng và lợi nhuận 20 tỷ đồng.
Nhà máy giấy Bãi Bằng ngày nay chỉ còn sản xuất giấy
Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trước làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành từ các doanh nghiệp tư nhân với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại và cả sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm vở Bãi Bằng từ lâu đã bị đánh bật ra khỏi thị trường bởi những tên tuổi như Hồng Hà, Vĩnh Tiến, Hải Tiến, Tiến Thành...
Những năm nay, chỉ còn sản phẩm giấy Bãi Bằng vẫn trụ lại và đem lại nguồn thu chính cho Vinapaco (công ty mẹ). Mảng còn lại của Vinapaco là lâm nghiệp (trồng rừng) do các công ty con và đơn vị trực thuộc quản lý đang chịu cảnh thua lỗ triền miên.
Năm 2010, Vinapaco ra mắt thương hiệu giấy Clever Up với sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy Giấy Bãi Bằng, trên dây chuyền do hãng E.C.H.Will (CHLB Đức) chế tạo với công suất 50.000 tấn/năm.
Thương hiệu Clever Up quen thuộc với dân văn phòng. Hình ảnh: Báo dân trí
Giấy Bãi Bằng nói riêng và ngành sản xuất giấy nói chung gặp phải không ít thách thức trong những năm qua.
Chẳng hạn hoạt động xuất khẩu giấy của Trung Quốc vào Mỹ gặp khó khăn, dẫn tới Trung Quốc gia tăng xuất khẩu giấy sang vào một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam tăng mạnh.
Bên cạnh đó, việc sản xuất giấy in, viết trong nước gia tăng nhưng sức tiêu thụ lại sụt giảm, dây chuyền thiết bị quá cũ (năng suất chạy máy thấp, thiếu ổn định...), giá một số nguyên liệu đầu vào như than, điện tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp.
Biên lợi nhuận gộp năm 2020 (năm gần nhất tham khảo được) của Vinapaco đạt 16%, giảm so với mức 17,8% năm 2019. Nếu so với biên lợi nhuận gộp 19% của năm 2017 hay 21% của năm 2016 thì rõ ràng vài năm gần đây, chi phí sản xuất đang tăng so với giá bán làm giảm hiệu quả kinh doanh của công ty.
Theo BCTC, doanh thu thuần của công ty mẹ (nhà máy giấy Bãi Bằng) năm 2020 đạt 2.017 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 9,5 tỷ đồng sau thuế. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản ROA chưa đến 1%, nghĩa là doanh nghiệp sử dụng đến 100 đồng vốn mà chưa tạo nổi ra 1 đồng lợi nhuận.
Nỗ lực đẩy mạnh thương hiệu Clever Up trong phân khúc giấy photocopy
Trong bối cảnh các dòng máy photocopy, in văn phòng tốc độ cao liên tục ra đời (đòi hỏi sử dụng giấy chất lượng cao), từ giữa năm 2018, Vinapaco đã thành lập các nhóm nghiên cứu tập trung vào 2 mục tiêu song song là nghiên cứu thị trường và nghiên cứu kỹ thuật.
Qua quá trình tìm hiểu, so sánh điểm mạnh, yếu với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, doanh nghiệp đã phân tích mẫu giấy, tìm ra điểm hạn chế của giấy Bãi Bằng và tiến hành rà soát, điều chỉnh từ nguồn nguyên liệu, quy trình đi đến xây dựng bộ tiêu chuẩn hoàn thiện cho giấy photocopy. Đầu năm 2019, Vinapaco đã thử nghiệm và đưa ra thị trường.
Tháng 10.2019, Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) chính thức ra mắt sản phẩm giấy copy mới với những thay đổi toàn diện từ chất lượng đến thiết kế, bao bì mẫu mã.
Nguồn:vianpaco.com.vn
Đây được xem là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của Vinapaco với những nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như những thay đổi cơ bản quyết liệt trong cơ chế, chính sách bán hàng nhằm gia tăng sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Việt Đức - Tổng Giám đốc Vinapaco chia sẻ trong buổi lễ, giấy Bãi Bằng vốn là thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng, tuy nhiên trong một vài thời điểm chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.
Ông Nguyễn Việt Đức - Tổng Giám đốc TCT Giấy Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt. Nguồn:vianpaco.com.vn
Đồng thời tại sự kiện, đại diện bộ phận bán hàng của Vinapaco cho biết nhiều thay đổi trong chính sách bán hàng, hướng tới khách hàng mang tính cạnh tranh hơn như cơ cấu lại hệ thống phân phối (thuận tiện quá trình giao dịch chăm sóc khách hàng, vận chuyển, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng) mục tiêu phủ sóng tại 63 tỉnh, thành; Chia thị trường thành các khu vực, với cơ cấu, phương thức hoạt động, thay đổi mạng lưới nhân sự...
Ngoài ra, cơ cấu lại tỷ lệ chiết khấu thương mại để giá bán sản phẩm trở về giá trị thực cũng là một trong những điểm mới trong chính sách bán hàng mà Vinapaco sẽ triển khai nhằm bắt kịp với tình hình biến động của thị trường.
http://tintuc.vdong.vn/06/1378469.htmAn Vũ
Theo Nhịp Sống Kinh Tế