Tiềm năng logistics của TP Thủ Đức
Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến "Quy hoạch phát triển ngành logistics trên địa bàn TP Thủ Đức" tổ chức ngày 9/6, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng - Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức giới thiệu những tiềm năng và định hướng quy hoạch ngành logistics trên địa bàn thành phố.
Trong đó nhấn mạnh TP Thủ Đức có vị trí địa lý đặc biệt, nằm trong khu vực phát triển năng động của TP Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam bộ, đây là khu vực được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế, rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics.
Đồng thời, logistics cũng được xác định là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể kinh tế của TP Thủ Đức.
TP Thủ Đức Chiếm 4/7 trung tâm logistics tại TP Hồ Chí Minh, có lợi thế đặc biệt trong phát triển logistics.
Theo định hướng phát triển đến năm 2030, hệ thống trung tâm logistics tại TP Thủ Đức gồm 4 trung tâm: Trung tâm Logistics Long Bình, quy mô 50 ha; Trung tâm Logistics Cát Lái, quy mô 200 - 292 ha; Trung tâm Logistics Linh Trung, quy mô 60 - 74 ha; và Trung tâm Logistics Khu Công Nghệ Cao, quy mô 5 - 6 ha. Chiếm 4/7 trung tâm logistics tại TP Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức đang là nơi có sự thu hút dịch vụ logistics nhiều nhất của TP Hồ Chí Minh.
Trong đó, Cảng Tân Cảng Cát Lái được xếp vào một trong các cảng feeder lớn nhất thế giới, nằm trong top 30 cảng lớn nhất thế giới về sản lượng thông qua. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành Vận tải, kho bãi là 7,30%, chiếm tỷ trọng 12,77% trong cơ cấu khu vực ngành thương mại dịch vụ.
Quy hoạch ngành logistics từ vấn đề hạ tầng giao thông
Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp kỳ vọng vào quy hoạch chiến lược phát triển ngành logistics của TP Thủ Đức đồng thời, nêu rất nhiều ý kiến liên quan đến quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông phù hợp với định hướng phát triển logistics làm ngành kinh tế mũi nhọn.
"Hy vọng sắp tới TP xem xét lại vấn đề hạ tầng giao thông mở rộng đường, xây cầu nhiều hơn, tải trọng cầu cũng phải lớn hơn để tiếp nhận hàng hóa suôn sẻ cũng như là tách bạch tuyến đường đi vào cảng với đường giao thông dân sinh. Nếu được, TP nên tạo con đường rẽ, đưa tuyến đường đi từ Nhơn Trạch về không cùng với tuyến đường đi vào cảng Cát Lát, né tránh tuyến đường ách tắc thường xuyên", ông Trịnh Quang Tuấn, Công ty CP Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ.
"Trong trường hợp mình giải quyết được vấn đề giao thông vào Cảng Cát Lái cũng như vào các cảng hiện nay, số hóa được hiện đại hóa thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp được thì các doanh nghiệp cũng rất là mừng, đây cũng là điều kiện để đưa cảng Cát Lái trở thành cảng trung tâm", bà Trang Nguyễn, đại diện Công ty xuất nhập khẩu Wannex tại Bình Dương nêu ý kiến.
Các doanh nghiệp chia sẻ nhiều ý kiến quy hoạch ngành logistics trên địa bàn TP Thủ Đức.
Ngoài vấn đề hạ tầng giao thông, các doanh nghiệp ngành logistics cũng nêu rất nhiều ý kiến trong việc liên kết các cảng trung tâm TP Hồ Chí Minh hiện nay với các cảng khu vực, tạo thế thuận lợi trong xuất - nhập hàng hóa, tháo gỡ khó khăn khi một trong những cảng trọng tâm gặp ách tắc.
Lãnh đạo TP Thủ Đức cho biết, trong Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức và đặc biệt đối với Quy hoạch ngành logistics trên địa bàn thành phố Thủ Đức tới đây, phát triển các tuyến đường kết nối và hạ tầng giao thông sẽ rất được chú trọng nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương của doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!