Huugjilt, 18 tuổi, là công nhân nhà máy thuốc lá ở thành phố Hohhot, khu tự trị Nội Mông Cổ. Tối 9/4/1996, anh đi mua kẹo cao su sau bữa tối vì sợ người khác ngửi thấy mùi rượu.
Trên đường trở về nhà máy, khi đi qua nhà vệ sinh công cộng thuộc ký túc xá nhà máy dệt len, Huugjilt nghe thấy tiếng hét của phụ nữ. Đoán có chuyện chẳng lành, Huugjilt vội chạy đi gọi bạn là Diêm Phong đến để cùng vào xem sao.
Hai người đứng bên ngoài nhà vệ sinh nữ, gọi to hai lần nhưng không ai trả lời. Dưới sự thuyết phục của Huugjilt, cả hai quyết định đi vào, dùng bật lửa chiếu sáng thì thấy một cô gái lộ nửa thân dưới nằm dựa lên bức tường thấp.
Hai chàng trai hoảng sợ bỏ chạy. Ra khỏi ngõ, thấy chốt bảo vệ ở ngã tư, Huugjilt muốn đi báo cảnh sát, nhưng Diêm Phong sợ gặp rắc rối nên gạt đi. Huugjilt bảo bạn về trước báo cáo lại sự việc với quản lý xưởng, còn mình đến đồn cảnh sát trình báo án mạng, sau đó đưa họ đến hiện trường.
Hơn 22h hôm đó, cảnh sát đưa cả Huugjilt và Diêm Phong về đồn lấy lời khai. Sáng hôm sau, chỉ Diêm Phong được cho về. Phong nói nghe thấy tiếng Huugjilt kêu la và tiếng bàn ghế xô lệch ở phòng thẩm vấn của bạn. Một lần đến đồn ghi lời khai bổ sung sau đó, Phong thấy Huugjilt bị còng tay vào máy sưởi qua khe cửa.
48 giờ sau khi bị tạm giữ, cảnh sát nói với mẹ của Huugjilt rằng "con trai bà đã nhận tội".
Ngày 23/5, Huugjilt bị truy tố vì tội cưỡng hiếp và cố ý giết người.
Bên công tố buộc tội Huugjilt lẻn vào nhà vệ sinh nữ, khống chế cô gái 25 tuổi để thực hiện hành vi đồi bại, khiến nạn nhân chết vì ngạt thở. Sau đó Huugjilt bỏ chạy về xưởng, cố ý kéo Phong đến nhà vệ sinh nữ để phát hiện thi thể, vờ báo cảnh sát.
Cảnh sát đưa ra bằng chứng là máu trong kẽ móng tay của Huugjilt trùng khớp với mẫu máu tại vết xước ở cổ họng nạn nhân.
Luật sư bào chữa cho Huugjilt ban đầu biện hộ bị cáo vô tội, nhưng cuối cùng lại xin khoan hồng với lý do "thành khẩn khai nhận tội lỗi, là người dân tộc thiểu số và ít tuổi".
Sau thời gian ngắn hội ý, tòa tuyên án tử hình Huugjilt. Huugjilt và gia đình kháng cáo. Ngày 5/6, tòa phúc thẩm ra phán quyết giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngày 10/6/1996, ngày thứ 62 sau khi vụ án xảy ra, Huugjilt bị xử bắn.
Từ đó, bố mẹ, anh và em trai của Huugjilt bị xa lánh, không dám ngẩng đầu dưới sự dè bỉu của người xung quanh.
Tin tưởng con mình bị oan nhưng không có chứng cứ, bố mẹ Huugjilt chỉ mong tìm ra kẻ sát nhân thực sự. Suốt gần 10 năm, họ ghi chép, thu thập tất cả tin tức liên quan đến án hiếp dâm và giết người trên báo chí, truyền hình.
Ngày 23/10/2005, Triệu Chí Hồng bị bắt ở thành phố Hohhot sau khi gây 21 tội ác, hãm hiếp và sát hại 10 phụ nữ. Khi thẩm vấn, Hồng thú nhận là thủ phạm vụ án tối 9/4/1996. Hắn kể chi tiết quá trình phạm tội và cho biết đây là nạn nhân thứ hai bị hắn sát hại.
Ngày 30/10/2005, Hồng dẫn cảnh sát đến địa điểm gây án ban đầu. Dù nhà vệ sinh đã bị phá bỏ để xây một tòa nhà cao tầng, Hồng vẫn tìm được chính xác hiện trường năm đó. Tin đồn Huugjilt có thể bị chết oan bắt đầu lan rộng.
Tuy nhiên, khi hỏi thăm các đơn vị cảnh sát tại địa phương, gia đình không nhận được hồi đáp. Họ quyết định đâm đơn kiện, nhưng sau khi xem xét hồ sơ, không luật sư nào dám nhận vì thấy quá khó lật lại vụ án. Họ được "mách nước" tìm đến truyền thông và được giới thiệu Thang Kế, phóng viên mảng chính trị và pháp luật của tờ Xinhua ở Nội Mông Cổ.
Sau khi điều tra từ nhiều nguồn, ngày 23/11, Thang Kế viết bài phản ánh vụ việc, thu hút sự chú ý của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Nội Mông Cổ. Một đội điều tra được thành lập tháng 3/2006 đã kết luận vụ án của Huugjilt thực sự là án oan.
Cuối tháng 10/2006, vụ án Triệu Chí Hồng bất ngờ được đưa ra xét xử không công khai. Bên công tố chỉ khởi tố 9/10 vụ giết người, bỏ lọt vụ án tối 9/4/1994. Hồng chỉ ra vấn đề này trước tòa, sau đó phiên tòa bị tạm dừng.
Năm 2007, Thang Kế góp phần thúc đẩy tái điều tra vụ án Huugjilt bằng ba bài báo chuyên sâu. Ngày 20/12/2007, Hồng nộp đơn "xin đền mạng" từ trại giam gửi Viện KSND khu tự trị Nội Mông Cổ, bày tỏ không muốn chết trong hối tiếc, muốn trả lại sự trong sạch cho người bị oan. Sau khi có được một bản sao từ quản giáo, Thang Kế lập tức đưa nguyên văn tờ đơn, nhận được sự quan tâm của Trung ương và TAND Tối cao.
Năm 2008, do thay đổi nhân sự lãnh đạo tại khu tự trị, vụ án Huugjilt rơi vào cảnh "không ai động đến".
Ngày 5/5/2011, Thang Kế và một phóng viên trẻ viết bài phản ánh việc xem xét lại vụ án oan của Huugjilt bế tắc suốt 6 năm. TAND cấp cao khu tự trị Nội Mông Cổ lập tổ gồm 5 thẩm phán tham gia tái điều tra vụ án.
Đầu 2013, tòa kết luận không đủ chứng cứ trong bản án ban đầu của Huugjilt.
Ngày 15/12/2014, trong cuộc họp báo sau khi tái thẩm, tòa tuyên bố vụ án Huugjilt không rõ ràng, không đủ bằng chứng buộc tội. Lý do là lời khai về thủ đoạn phạm tội không khớp với biên bản khám nghiệm tử thi; bằng chứng về nhóm máu trùng khớp không đủ để kết luận phạm tội; lời thú tội của Huugjilt không ổn định và có nhiều điểm mâu thuẫn với các bằng chứng khác.
Tòa tuyên bố hủy bỏ phán quyết năm 1996, Huugjilt vô tội. Phó Chánh án TAND cấp cao thay mặt cơ quan này xin lỗi bố mẹ Huugjilt và bồi thường hơn hai triệu nhân dân tệ theo luật. 27 người liên quan vụ án oan bị truy cứu trách nhiệm.
Ngày 2/7/2019, Hồng nhận hai án tử hình về tội cố ý giết người và tội hiếp dâm, thi hành án ngày 30/7/2019.
Tuệ Anh (Theo Sina, 163)
Xem thêm: lmth.1873744-tas-hnac-oab-id-nein-ueiht-auc-gnou-nao-ut-na/ten.sserpxenv